Tình hình thời tiết bất thường, diện tích nuôi trồng phát triển ngày một tăng trong khi vấn đề quản lý đầu vào hay quá trình nuôi còn lỏng lẻo và nhiều yếu tố khác tác động khiến nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập trên mỗi diện tích nuôi thủy sản. Việc tìm đúng nguyên nhân gây bệnh là rất cần thiết.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Báo cáo của Cục Thú y về tình hình dịch bệnh trên thủy sản 8 tháng đầu năm cho thấy, tổng diện tích NTTS của các tỉnh bị thiệt hại là gần 18.990 ha, giảm 32,9% so cùng kỳ năm 2018 (tổng diện tích bị thiệt hại là 28.294 ha); ngoài ra có khoảng 277 bè, vèo và 368 lồng nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Với tôm nước lợ, diện tích bị thiệt hại là hơn 17.543 ha, giảm 30,9% so cùng kỳ năm 2018 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 25.398 ha) và chiếm 2,54% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước; với các bệnh như: Vi bào tử trùng, đốm trắng, phân trắng, hoại tử gan tụy… Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là 69,75 ha, giảm 59,8% và chiếm 1,43% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước (4.867 ha) với một số bệnh chủ yếu như: gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng tại Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp.
Với các loài thủy sản khác, nghêu/ngao: 1.310,8 ha bị thiệt hại, trong đó 1.278,8 ha ngao/nghêu nuôi bị thiệt hại nhưng chưa rõ nguyên nhân (Hải Phòng 1.170 ha, Thanh Hóa 60 ha và Trà Vinh 48,8 ha) và 32 ha ngao nuôi bị thiệt hại do sâu biển (Ninh Bình 30 ha và Hải Phòng 2 ha). Tôm hùm: 93 lồng nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa có tôm bị thiệt hại do bệnh sữa và đen mang; 18.572 con tôm hùm tại Phú Yên bị đen mang và thiệt hại do môi trường. Cá mú: 98 lồng cá nuôi tại Phú Yên và Khánh Hòa có hiện tượng cá chết không rõ nguyên nhân và bị xuất huyết. Tôm càng xanh: 3 ha tôm nuôi theo hình thức tôm - lúa tại Kiên Giang bị thiệt hại do môi trường. Cá điêu hồng: 76 bè và 5 ha cá nuôi tại An Giang (30 bè) và Đồng Tháp (46 bè và 5 ha) bị xuất huyết, lồi mắt và thối mang. Cá rô phi: 31,4 ha diện tích sản xuất cá rô phi giống tại Bình Định bị thiệt hại không rõ nguyên nhân.
8 tháng đầu năm 2019, có 1.310,8 ha nuôi ngao/nghêu bị thiệt hại - Ảnh: Trần Út
Tác động từ nhiều yếu tố
Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ngày 29/3/2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký quyết định phê duyệt “Kế hoạch Quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2020”. Sau đó, ra đời dự án “Hỗ trợ phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL thông qua hợp tác công tư” do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam cùng nhiều tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp thực hiện. Đến nay, bước đầu nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa biến đổi môi trường làm thay đổi chất lượng nước với bùng phát dịch bệnh, năng suất tôm và cá tra nuôi.
Chương trình quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh trên nước cấp nuôi tôm và cá tra thực hiện các thông số: nhiệt độ, pH, DO, độ kiềm, nitrite, ammonia, phosphate, TSS, COD, thuốc bảo vệ thực vật gốc chlor, gốc carbamate, họ cúc và một số kim loại nặng (Cd, Hg, Pb). Đối với vùng nuôi tôm nước lợ bổ sung thêm độ mặn, Vibrio tổng số và Vibrio parahaemolyticus; riêng đối với vùng nuôi cá tra, các yếu tố được giám sát thêm là Salmonella, Aeromonas tổng số và Edwardsiella ictaluri. Nghiên cứu tập trung tìm mối liên hệ giữa các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn Edwardsiella ictaluri, virus) với các tác nhân vô sinh trong nguồn nước cấp và trong ao nuôi đại diện hoặc giữa các yếu tố vô sinh.
Ngoài ra, nghiên cứu của dự án cho biết, có sự liên quan mật thiết giữa độ mặn và tổng Vibrio, Vibrio parahaelyticus trong nguồn nước cấp vùng nuôi tôm. Kết quả quan trắc của Viện Nghiên cứu NTTS II cho thấy, trong mùa khô khi độ mặn tăng mật độ Vibrio tổng số cũng có xu hướng tăng và khi mưa xuống độ mặn giảm mật độ Vibrio tổng số cũng giảm.
Còn có sự liên quan giữa Nitrite và DO trong nước cấp. Trong điều kiện tự nhiên, Ammonia được hình từ quá trình amôn hóa sẽ được tiếp tục ôxy hóa chuyển hóa thành Nitrite (NO2-) rồi thành Nitrate (NO3-) nhờ vi khuẩn Nitrosomonas sau đó là vi khuẩn Nitrobacter. Các quá trình chuyển hóa Ammonia đều cần sự tham gia của ôxy và độ kiềm của nước, khi DO giảm hàm lượng nitrite tăng. Ao nuôi có tôm chết ở ngày nuôi 44 phát hiện vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong nước và nghiên cứu cho thấy việc tôm chết có nhiều nguyên nhân không chỉ bởi tác nhân gây bệnh mà còn do các yếu tố môi trường.
Về vùng nuôi cá tra, sự liên quan giữa DO và Nitrite trong nước cấp cho vùng nuôi thể hiện rất rõ. Khi hàm lượng DO tăng thi hàm lượng Nitrite giảm, sự tương quan giữa hai yếu tố này thể hiện quá trình ôxy hóa chuyển hóa Nitrite thành nitrate chịu sự chi phối bởi DO trong thủy vực.
Còn có sự liên quan giữa phosphate và COD. Hàm lượng phosphate có xu hướng tăng khi COD tăng. Trong các thủy vực thì chỉ số COD, hàm lượng N-NO2 và Phosphate là các thông số chất lượng nước thể hiện sự phú dưỡng của thủy vực. Do đó, hàm lượng phosphate cao cho thấy thủy vực có sự ô nhiễm hữu cơ, ngược lại khi hàm lượng phosphate thấp thực vật phù du sẽ bị hạn chế gây thiếu thức ăn tự nhiên trong thủy vực.
Kết luận, các yếu tố Vibrio tổng số và độ mặn, hàm lượng DO và Nitrite có liên quan đến nhau trong nguồn nước cấp cho các vùng nuôi tôm thương phẩm. Đối với nước cấp cho vùng nuôi cá tra thương phẩm thì các yếu tố DO và Nitrite, COD và Phosphate có tương quan với nhau. Từ đó, trong tình hình biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng, độ mặn tăng và ô nhiễm hữu cơ một số khu vực cũng tăng, các khu vực nuôi tôm nước lợ và cá tra cần có hệ thống quan trắc môi trường đảm bảo để kịp thời xử lý biến động, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tháo gỡ cách nào?
Hiện nay, biến đổi khí hậu, suy thoái và ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi ngày càng diễn biến phức tạp; vì vậy, việc thay đổi hình thức nuôi và đa dạng đối tượng nuôi rất quan trọng. Đồng thời, định hướng người nuôi tập trung đầu tư phát triển sản xuất NTTS theo chiều sâu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến ổn định diện tích thả nuôi, tăng năng suất thu hoạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng tìm hiểu và nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản thành công. Với tôm nước lợ, theo Tổng cục Thủy sản, cần tổ chức tổng kết, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi; kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thủy sản; tăng cường quản lý chất lượng nguồn tôm bố mẹ và con giống bố mẹ, cũng như kiểm soát việc nhập khẩu tôm bố mẹ bảo đảm an toàn sạch bệnh.
Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khí hậu và quan trắc môi trường tại một số vùng nuôi thủy sản tập trung để có giải pháp kỹ thuật phù hợp, kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn địa phương và người nuôi tôm nước lợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh và thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện bệnh để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế lây lan…
>> Theo Cục Thú y, đến nay có 4 cơ sở đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm theo quy định của Việt Nam và OIE phục vụ xuất khẩu, bao gồm: Tập đoàn Việt - Úc, Công ty CP Thực phẩm Trung Sơn, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Cùng đó, Cục cũng bổ trí hơn 1,3 tỷ đồng để triển khai các hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh trên tôm giống và cá tra phục vụ xuất khẩu triển khai từ tháng 8/2019. |
Theo: Thủy Sản Việt Nam