Cơ hội lớn để phát huy
Việt Nam hiện có quan hệ đối tác với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 thị trường, đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Israel (VIFTA). Ảnh: VGP
Đối với ngành thủy sản, việc thực thi các FTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng và đa dạng thị trường, đưa sản phẩm thủy sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong những năm qua, các FTA thế hệ mới đã tạo ra nhiều tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ðồng thời, là cơ hội cho các doanh nghiệp tự “nâng cấp” chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn trên bản đồ thủy sản thế giới. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu trong chuỗi cung ứng và phân phối toàn cầu.
Các FTA tạo động lực lớn cho ngành thủy sản. Ảnh: ST
Theo số liệu từ Cục Thủy sản, năm 2022 xuất khẩu toàn ngành thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch. Tính hết tháng 12/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% kế hoạch và giảm 8% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD, cá tra khoảng 1,9 tỷ USD, cá ngừ 900 triệu USD, nhuyễn thể 800 triệu USD. Một trong những nguyên nhân giúp ngành thủy sản đạt được kết quả này xuất phát từ việc mở rộng thị trường, đặc biệt nhờ các FTA.
Cũng nhờ vào những trợ lực lớn này, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD bất chấp dự báo những khó khăn phía trước, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Lạc quan nhưng không chủ quan
Các FTA là bước đà quan trọng để ngành thủy sản “cất cánh”. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất ở hiện tại là phải nhận diện và vượt qua thách thức, nếu không, cơ hội sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.
Những khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang gặp phải như áp lực cạnh tranh với lượng hàng hóa chất lượng cao nhập khẩu vào thị trường nước ta. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng cho các thị trường và các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các FTA đã ký kết nên vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội từ những Hiệp định này.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho rằng, tỷ trọng thủy sản Việt Nam tại các thị trường FTA lớn như EU, Canada, Anh còn khá khiêm tốn, với EU gần 5%, Canada hơn 6% còn Vương quốc Anh hơn 7%. Ðiều này cho thấy dư địa để ngành thủy sản tận dụng các FTA như EVFTA, CPTPP và UKVFTA còn rất lớn.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương tập trung mọi nguồn lực, lợi thế, phối hợp cùng các ngành để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất sạch, xanh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Đồng thời các bộ, ngành cần thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vấn đề thủy sản, giúp các địa phương kêu gọi đầu tư, đảm bảo sản xuất.