Triển vọng từ protein thủy phân trong thức ăn tôm thẻ

Thứ sáu, 18/12/2020 - 02:38 PM      552


Hỗn hợp protein thủy phân thúc đẩy hấp thụ chất dinh dưỡng.

Protein thủy phân từ phụ phầm gia cầm và gan lợn là một nguồn protein tuyệt vời trong sản xuất thức ăn cho tôm thẻ chân trắng.

Thức ăn là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công trong hệ thống nuôi tôm thâm canh. Chính vì thế nguồn protein trong thức ăn tôm thẻ cần phải cân bằng và đầy đủ các axit amin để tôm đạt tăng trưởng tốt nhất. 

Chính vì thế, một loại protein thủy phân được sản xuất từ sự kết hợp giữa phụ phẩm gia cầm và gan lợn để cải thiện sự cân bằng các axit amin thiết yếu. Bên cạnh việc cải thiện giá trị dinh dưỡng, sự kết hợp này cũng làm tăng mức tiêu thụ nhờ vào sự phối hợp giữa các peptide (chuỗi ngắn các axit amin) từ các nguồn protein khác nhau. Ngoài ra, protein thủy phân có nguồn gốc từ gan lợn có hàm lượng lớn axit béo bão hòa và không bão hòa đa, chủ yếu thuộc dòng n-6. Những chất dinh dưỡng này rất quan trọng đối với cấu trúc màng tế bào, cũng như hấp thụ các vitamin tan trong chất béo của tôm. 

Hệ số tiêu hóa thức ăn là khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Protein từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn không thủy phân có hệ số tiêu hóa thấp hơn khi được thủy phân. Trong nghiên cứu này, sự kết hợp của các nguồn protein thủy phân khác nhau dường như đã ảnh hưởng tích cực đến hệ số tiêu hóa của chất khô và năng lượng. Cụ thể, protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn có hệ số tiêu hóa chất khô và năng lượng cao hơn so với protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm, nhưng không thấy sự khác biệt về hệ số tiêu hóa protein. 

Protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn có độ hấp dẫn tương tự các nguồn protein khác như bột cá hay bột đậu nành. Sự kết hợp nguồn protein thủy phân này cho thấy sự cân bằng tốt hơn của tổng axit amin thiết yếu và lượng axit amin tự do. Các axit amin chuỗi ngắn và axit amin tự do trong protein thủy phân có sự thay đổi lớn về khối lượng phân tử. Với khối lượng phân tử nhỏ các axit amin chuỗi ngắn rất có lợi cho tôm trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng và tiêu hóa nhanh hơn. Sự hiện diện của các axit amin tự do như một chất tạo hương vị, ảnh hưởng mạnh đến hương vị của thức ăn, hấp dẫn hơn đối với tôm.

Thí nghiệm đánh giá sự tăng trưởng của tôm được tiến hành với 5 nghiệm thức thay thế protein bột cá bằng protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn tương ứng là: 0%, 25%, 50%, 75% và 100%. 

Tỷ lệ sống của tôm cao, trung bình 97% và không bị ảnh hưởng bởi các mức thay thế protein khác nhau. Chế độ ăn với mức thay thế protein bột cá bằng 25% protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn cho kết quả tốt hơn so với các mức thay thế khác. Tuy nhiên, có sự giảm tăng trưởng khi thay thế 50% protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn. Tôm thẻ chân trắng dường như đưa ra một giới hạn tăng trưởng đối với protein thủy phân, điều này có thể liên quan đến sự hiện diện của một lượng lớn axit amin chuỗi ngắn khối lượng phân tử thấp và axit amin tự do trong thức ăn tôm thẻ vì chúng làm giảm lượng cơ chất của các enzyme. Chính vì thế, mức thay thế protein thủy phân cho tôm thẻ chân trắng nên ở mức thấp. Mặt khác, nếu protein không ở dạng phù hợp và nồng độ tương ứng với nhu cầu sinh lý thì tôm không hấp thụ hoàn toàn và cuối cùng sẽ bị loại bỏ dưới dạng nước thải. 

Một lượng lớn nitơ và phốt pho được cung cấp vào ao nuôi chủ yếu là từ thức ăn, còn lại từ con giống và nước cấp chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Khả năng chuyển đổi và tích lũy nitơ, phốt pho cho kết quả tốt nhất khi tôm được cho ăn protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn ở mức thay thế 0% và 25%, sau đó giảm dần khi ở các mức thay thế protein 50%, 75% và 100%. Do đó, việc tích lũy nhiều chất dinh dưỡng trong tôm sẽ làm giảm lượng nitơ và phốt pho thải ra môi trường nước, tránh ô nhiễm môi trường nước cải thiện điều kiện tăng trưởng của tôm. 

Tóm lại, protein thủy phân có các đặc tính về kết cấu, độ nhớt và kích thước nhỏ giúp thúc đẩy sự hấp thụ chất dinh dưỡng của động vật. Những tính chất này đã gia tăng hoạt động của enzyme và tăng khả năng hấp thụ của ruột, dẫn đến chỉ số tiêu hóa tốt hơn do đó có lợi cho sự tăng trưởng, tỷ lệ sống và khả năng miễn dịch của tôm. Protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn có thể được sử dụng làm nguồn protein cho tôm thẻ chân trắng vì khả năng tiêu hóa cao và thành phần axit amin thiết yếu tương tự như bột cá. Mức thay thế phù hợp nhất cho protein thủy phân từ phụ phẩm gia cầm và gan lợn là thay thế 25% protein từ bột cá, tương ứng 4.8% tổng protein trong thức ăn tôm thẻ chân trắng.
Nguồn: Tepbac.com


 
Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102
Quản lý yếu tố môi trường trong ao nuôi
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:15 AM
131
Bón vôi ngày mưa đúng cách cho ao nuôi tôm
Thứ ba, 10/09/2024 - 08:14 AM
142
Tin xem nhiều
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102