Triển vọng mô hình nuôi cá chạch lấu

Thứ sáu, 19/07/2019 - 03:18 PM      1135

Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, nhiều địa phương tại ĐBSCL đã triển khai nuôi cá chạch lấu trong ao đất, bước đầu cho kết quả tích cực.

 

Nuôi thử nghiệm cá chạch lấu đem lại hiệu quả cao

Thử nghiệm thành công tại Kiên Giang

Năm 2018, Phòng NN&PTNT huyện Gò Quao phối hợp với khuyến nông triển khai nuôi thử nghiệm cá chạch lấu trong ao đất. Trước khi bắt tay thực hiện, nông dân trong huyện được tham quan mô hình sản xuất và ương nuôi cá chạch lấu thương phẩm tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Sau đó thử nghiệm tại ba điểm thuộc xã Vĩnh Thắng, Vĩnh Hòa Hưng Nam và Thới Quản, trên diện tích ao 500 m2 thả 1.000 con giống kích cỡ 15 cm.

Ông Huỳnh Văn Thua (ấp Vĩnh Hòa 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam) - một hộ tham gia mô hình cho biết, sau 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 150 g/con, phát triển tốt và ít bị hao hụt. Ông đánh giá đây là loài dễ nuôi, cần lưu ý nên chất một số đống chà để cá trú ẩn. Do cá có tập tính ăn chìm nên thức ăn cần ngâm nước, vê thành viên và bỏ trên sàn cách mặt nước 5 cm; cho cá ăn thức ăn viên 40% đạm, ngoài ra có thể sử dụng tép hoặc cá nhỏ làm thức ăn bổ sung. Định kỳ thay nước mới để môi trường nước được trong sạch, tăng cường ôxy cho cá.

Nhận thấy đây là đối tượng có giá trị kinh tế cao, tiềm năng và triển vọng nuôi thương phẩm nên tỉnh Kiên Giang cũng chú trọng đầu tư phát triển đối tượng này. Ngày 18/3/2019, tỉnh đã thông qua đề cương dự án “Thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cá chạch lấu tại tỉnh Kiên Giang” nhằm bảo tồn, đáp ứng, nâng cao chất lượng giống phục vụ nuôi thương phẩm.

Thành công tại nhiều tỉnh

Tại huyện Châu Thành (Hậu Giang), anh Trần Thanh Hùng nuôi cá chạch lấu trên ao đất và bể lót bạt rất hiệu quả; anh cũng là người đầu tiên trên cả nước sinh sản nhân tạo thành công loại cá này. Theo anh, nuôi cá chạch lấu quan trọng nhất là môi trường nước do đây là loài sống ở tầng đáy, ít di chuyển, tập trung trong các giá thể nên ao nuôi phải có ngưỡng ôxy lớn hơn 50 mg/1 lít nước. Khi nuôi với mật độ cao phải dùng máy sục khí ôxy và máy tạo dòng chảy để tăng ôxy trong nước, nhờ biến nước tĩnh thành nguồn nước động có dòng chảy để tăng lượng ôxy trao đổi nên cá có tỷ lệ hao hụt thấp. Ngoài ra, anh cũng tạo nhiều giá thể bằng ống nhựa trong ao để có chỗ cho cá trú ẩn và đỡ cạnh tranh thức ăn, đồng thời anh cũng tập cho cá ăn thức ăn ở cả dạng chìm và nổi. Sau khi nuôi 10 - 12 tháng, cá có thể xuất bán. Với cá giống có chiều dài 1 tấc (10 cm), chỉ sau 7 - 8 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 3 - 4 con/kg, với giá bán trên thị trường 300.000 - 350.000 đồng/kg, có khi lên đến 400.000 đồng/kg thì đây là loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao nhất.

Tại Cần Thơ, ông Lý Văn Bon lại chọn cách nuôi loài cá này trong lồng trên sông Hậu, cũng có hiệu quả khá cao. Trước kia, ông lấy giống từ tự nhiên nhưng nay đã nhân giống thành công với số lượng hàng chục tấn, nên mở rộng quy mô. Ưu điểm nuôi trong lồng là có thể nuôi mật độ lớn, khoảng 20.000 con/lồng. Sau 1 năm, cá được xuất bán với trọng lượng 300 - 800 g, tiêu thụ mạnh nhất tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Từ đó, mỗi năm ông Bon thu lãi hàng tỷ đồng.
Theo: http://hoinghecavietnam.org.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102