Trang trại bò của những chàng trai

Thứ năm, 11/07/2019 - 09:34 PM      575

Một nhóm thanh niên quê Gia Lai từ bỏ mức lương “khủng” ở nhiều công ty, tập đoàn lớn, trở về quê hương khởi nghiệp với nghề chăn nuôi bò Úc. Họ đã tạo thêm sinh kế cho nhiều người dân ở đất nghèo Kon Chro.

Nuôi bò với quy trình khép kín, hiện đại

Những thanh niên này với kinh nghiệm sẵn có đã tự liên hệ với các đối tác ở Úc để nhập về hàng ngàn con bò mỗi năm. Và để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nhập bò khắt khe của Úc cũng không hề dễ dàng. Vậy mà họ đã làm được hơn thế, khi đối tác còn cho nợ một phần tiền mua bò!
Nuôi bò thời 4.0
Để vào được trại bò của Công ty cổ phần Diên Hồng – Gia Lai ở xã An Trung, H.Kon Chro phải qua nhiều “chốt”. Trước hết là cổng đóng im ỉm, chỉ mở khi có người của công ty hay các đơn vị vào nhập thức ăn. Xe vào đều phải sát trùng. Hàng chục đôi ủng, đồ bảo hộ chuẩn bị sẵn cho khách tham quan. Nguyễn Xuân Sơn, kỹ sư chăn nuôi đồng thời là một lãnh đạo của công ty, nói: “Phải làm kỹ thế để phòng bệnh cho bò, đảm bảo môi trường tốt nhất cho gần 2.000 con bò Úc đang nuôi ở đây sinh trưởng, phát triển tốt. Toàn bộ khu chuồng trại, các loại máy móc phục vụ cho việc chăn nuôi như máy phay cỏ, nghiền thức ăn… đều được quy hoạch từng khu vực rất khoa học để đạt tiện tích tốt”.
Để nhập được bò Úc, các công ty phải có đủ tiêu chuẩn ESCAS (Exporter Supply Chain Assurance System) – hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng của nước xuất khẩu. Cụ thể, doanh nghiệp phải chấp hành đầy đủ các quy định do Úc đặt ra như: lò giết mổ, các công đoạn giết mổ cũng như khâu ướp thịt bò trước khi đem bán ra thị trường. Quy trình từ khi xuất bò, di chuyển, chuồng trại lưu nuôi, giết mổ đều được phía Úc giám sát chặt chẽ. Đó bộ tiêu chuẩn đảm bảo quy tắc giết mổ nhân đạo mà nhà nhập khẩu phải tuân thủ. Doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn thì phía Úc mới xuất bò.

Nhiều người bản địa trồng cỏ, bắp để bán cho thu nhập tốt

“Úc họ kỹ lắm. Họ sang giám sát chuồng trại, nguồn thức ăn và đặt camera ở khắp nơi. Mình không được đánh bò hay có những hành động ngược đãi khác. Họ mà phát hiện là xem như chấm dứt và cực khó để hợp tác lại. Bò đều được gắn chíp ở tai, khi giết mổ phải thông báo về bên đó để họ kiểm soát và giám sát. Bò nuôi ở đâu là phải báo cáo trung thực vì con chíp này có thể giúp họ định vị. Ngay cả cái cân bò cũng được nhập khẩu từ Úc, giá hơn 80.000 USD đấy!”, kỹ sư Sơn kể.
Trên diện tích 9 ha, nhiều khu chuồng trại mọc lên giữa vùng An Trung cháy nắng. Theo thống kê của công ty thì mỗi ngày số bò này tiêu thụ thức ăn quy ra tiền hơn 100 triệu đồng. Chỉ riêng tiền bán phân bò mỗi ngày lên đến 7 triệu đồng. Và hiện phân bò ở đây được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mua lại để bón cho hàng chục ngàn héc ta cây ăn trái của tập đoàn. Nhiều người dân cũng tìm đến mua vì nguồn phân hạn chế mầm bệnh. Từ 3 năm nay, đã có hàng chục ngàn con bò Úc được bán ra thị trường, cung cấp cho các tỉnh khu vực nam miền Trung và Tây nguyên.
Dù trang trại với hàng ngàn con bò nhưng chỉ có chưa đến10 người quản lý, nhân công để điều hành, sử dụng máy móc. Bò Úc nhập về bằng đường tàu biển, gần nửa tháng mới đến nơi, mỗi con nặng trên dưới 300 kg. Bò nuôi trong vòng 3 – 4 tháng, khi đạt chừng 500 – 700 kg mới xuất bán. Thịt bò Úc có thớ, màu đẹp; khi chế biến thơm và mềm. Đấy là lợi thế để sản phẩm bò Úc hút hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Khởi nghiệp với bò
Nguyễn Xuân Sơn tuổi chưa đến 30 nhưng có kinh nghiệm 6 năm trong nghề chăn nuôi. Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM, anh may mắn được Tập đoàn HAGL nhận về làm việc và cử luôn sang Lào chăm bò. Mọi người hay nói vui, Sơn đã làm “cha” hàng chục ngàn con bò từ Lào qua VN! Quan điểm đã trở thành thương hiệu của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL: Ai có năng lực và tận hiến cho tập đoàn là tưởng thưởng xứng đáng. Sơn là một trong số ấy.
Sơn kể khi đang làm cho HAGL, một số doanh nghiệp chăn nuôi bò thịt, bò sữa cũng chèo kéo với mức lương rất hậu nhưng anh từ chối. Khi HAGL thu hẹp quy mô chăn nuôi và chuyển dần sang các lĩnh vực khác, Sơn đã cùng một số nhân lực khác ở HAGL về đầu quân cho Công ty cổ phần Diên Hồng – Gia Lai.
Song, người gây ấn tượng với chúng tôi nhất là Huỳnh Hữu Vũ, Giám đốc Công ty Diên Hồng – Gia Lai. Vũ là con của một gia đình gia thế, bài bản ở TP.Pleiku. Là một trong những lứa học sinh chuyên toán đầu tiên của Trường THPT chuyên Hùng Vương, TP.Pleiku, Vũ học đại học về kỹ thuật, đi du học ở Anh và làm cho một số công ty nước ngoài với mức lương vài ngàn USD/tháng. Nhưng rồi cái duyên với quê nhà đã kéo anh về đầu quân cho HAGL, làm trong lĩnh vực chăn nuôi. Sau đó, cùng những người tâm đầu ý hợp, chàng trai 36 tuổi này đã lập nên công ty chăn nuôi bò Úc như một xác tín khởi nghiệp ở quê hương.
“Chúng tôi đầu tư vào đây hơn 3 triệu USD rồi, phải làm thôi và làm thật sự để có hiệu quả. Bò công ty xuất đi được các đối tác đánh giá cao về chất lượng thịt. Sắp tới chúng tôi sẽ xây tiếp một trang trại ở H.Kbang (Gia Lai) với quy mô nuôi 3.000 con. Toàn bộ sẽ là bò Úc. Đối tác từ Úc khá tin tưởng vào chúng tôi, thậm chí họ còn cho nợ một phần khi mua bò. Hiện chúng tôi đã đăng ký thương hiệu Bò 81 (vì cơ quan chức năng không cho phép đăng ký Bò Gia Lai – P.V) và có cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP.Pleiku. Chúng tôi đảm bảo rằng sản phẩm bò Úc sạch từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến bàn ăn”, Vũ cho biết
Những nhân sự chủ chốt khác của công ty đều có năng lực tốt, từng giữ những vị trí khác nhau ở HAGL cũng như các công ty lớn khác với mức lương cao, đang chung tay khởi nghiệp ở Công ty cổ phần Diên Hồng – Gia Lai. Và để nuôi bò một cách… khoa học như thế, áp dụng công nghệ 4.0 như thế, thật không phải chuyện dễ! Nhưng họ đã có những kết quả nhất định. Đó là chỉ dấu bước đầu cho khởi nghiệp thành công!
Tạo thêm sinh kế cho người dân
Với số lượng bò lớn, mỗi năm khoảng 9.000 con, công ty cần nguồn thức ăn khá lớn. Đây là cơ hội cho hàng trăm hộ nông dân ở xã An Trung cũng như H.Kon Chro. Theo thống kê, mỗi ngày cần khoảng 30 – 35 tấn bắp sinh khối, cỏ cho bò. Toàn bộ nguồn cung đều do người dân ở đây cung cấp. Hiện công ty đã ký hợp đồng với người dân để phát triển vùng nguyên liệu trồng bắp, cỏ với diện tích hơn 200 ha. Người dân nếu thiếu vốn sẽ được công ty hỗ trợ đầu tư giống bắp, hệ thống nước tưới, phân bón.
“Khi thu hoạch công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm và trừ tiền đầu tư cho dân. Bắp trồng lấy hạt phải mất 95 – 120 ngày trong khi trồng bán cho công ty dùng làm thức ăn cho bò chỉ mất 75 ngày. Với giá mua hiện nay 800.000 đồng/tấn, năng suất bình quân 40 – 50 tấn/ha, người dân có lãi chừng 10 – 30 triệu đồng/ha. Ngoài nhanh có thu nhập, so với trồng các loại cây khác như mía, mì… thì trồng bắp tốt hơn”, anh Sơn cho biết.
Ngoài ra, công ty đã tạo ra nhiều công việc cho người dân ở khu vực này, giúp họ có thu nhập rất ổn định. Anh Lê Thanh Thảo ở xã An Trung kể: “Nhà tôi trồng 9 ha cỏ để cung cấp cho công ty. Hiện giá thu mua 600.000 đồng/tấn. Nhờ năng suất cao, giá cỏ ổn định nên tôi có thu nhập trên dưới 500 triệu đồng/năm. Thiếu người, tôi thuê thêm nhiều người bản địa ở hai huyện Kon Chro và Đăk Pơ vào làm với tiền công 200.000 đồng/ngày. Cả trăm hộ ở đây cũng trồng cỏ, bắp như tôi, thu nhập rất tốt”.
                                                                                                                                                                                         Theo Thanh Niên Online
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều