Khởi nghiệp với lan rừng

Thứ tư, 12/02/2020 - 03:14 PM      855

Trang Nguyễn là một trong những vườn lan rừng đi đầu trong công tác áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn và nhân giống thành công những dòng lan rừng quý hiếm.

Khởi nghiệp nơi chợ trời

Khoảng 10 năm về trước, không ít người dân trên khắp mọi miền tổ quốc yêu thích hoa lan rừng đã từng biết đến chợ lan phố núi (tại ngã ba đường Lê Lai-Hai Bà Trưng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Mỗi ngày, nơi đây tập trung hàng chục người dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng gùi lan rừng ra bán biến khu vực này trở thành nơi tập trung được hầu hết tất cả các dòng hoa lan rừng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Người chơi lan phố núi hàng ngày đều đảo qua chợ lan để tìm mua những dòng lan yêu thích. Khách phương xa có dịp đến phố núi cũng tìm đến mua hàng với số lượng lớn hoặc nhờ người thân tuyển chọn những loại lan quý để chuyển về…

Nắm bắt được thị hiếu của người mê thú chơi tao nhã này, năm 2013, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hoàng và chị Nguyễn Thị Trang (trú tại phường Chi Lăng, TP Pleiku) quyết định chọn nghề mua bán lan rừng để tìm kế mưu sinh qua ngày trong lúc hai vợ chồng mới cưới chưa có việc làm.

“Anh biết không, giờ em nói thì chắc anh cũng bất ngờ luôn. Vợ chồng em khởi nghiệp từ một chiếc xe lôi. Chiếc xe hai bánh giống như Lý Tiểu Long đóng phim đó, nhưng nó không đẹp vậy đâu. Chiếc xe em mua lại đã bị rỉ sét, hai bánh xộc xệch rồi. Hôm đó, tự em đi vào các làng gom hàng rồi về nói với vợ đem hàng ra chợ bán thử xem sao. Vợ em một hồi đắn đo rồi thì cũng đồng ý.

Sáng hôm đó, em lấy xe máy kéo cả xe hàng và vợ đi cùng một lúc ra chợ lan. Lúc đầu, em cũng đứng phụ vợ bán hàng, nhưng khi thấy hàng bán rất chạy, em nghĩ, theo đà này thì ngày mai không còn hàng để bán. Vậy là em chạy về tiếp tục đi vào làng gom hàng.

Tối hôm đó vợ em thông báo, ngày đầu tiên ra bán lời được 800.000 đồng. Em mừng muốn khóc nhưng cố nén lại vì thấy thương vợ hơn. Một kỹ sư nông nghiệp mà anh, ra “chợ trời” đứng bán lan thì bạn bè suy nghĩ gì? Em chỉ khuyên vợ cố gắng thôi, lo được bữa ăn hàng ngày cho gia đình rồi sẽ tìm cách xin việc sau”, Hoàng tâm sự.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng Hoàng – Trang đưa hàng ra chợ từ sáng sớm. Hôm đó là ngày nghỉ cuối tuần nên lượng khách đến mua hoa khá đông hơn mọi ngày. Mọi việc ở chợ Hoàng giao hết cho vợ rồi trở về tiếp tục vào làng thu mua lan. Tối hôm đó về nhà, Hoàng phấn khởi hỏi vợ: Hôm nay sao rồi em? Thật bất ngờ khi Hoàng nhận được thông tin từ vợ là tiền lời cao hơn gấp ba lần so với ngày đầu. “Thời buổi đó thì làm gì dễ kiếm tiền được vậy đâu anh. Bằng một tháng lương cử nhân mới vào nghề rồi. vợ chồng em đủ ăn cả một tháng…”, Hoàng vui vẻ khoe.

Thu nhập khá cao từ việc mua bán hàng phục vụ thú chơi tao nhã của người tiêu dùng, vợ chồng Hoàng – Trang không còn nghĩ đến việc tìm cách xin việc vào các cơ quan nhà nước mà tính ngay đến chuyện kinh doanh lớn hơn. Hai vợ chồng vay mượn thêm tiền để thuê người đi gom hàng từ hầu khắp các buôn làng trên địa bàn Tây Nguyên về tìm mối bán sỉ.

Trước xu thế lượng người chơi lan rừng mỗi ngày càng nhiều mà lan rừng thì ngày lại càng cạn kiệt. Với tấm bằng cử nhân ngành lâm nghiệp, Trang bắt tay vào việc học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu kinh nghiệm để nhân giống, bảo tồn những giống lan rừng quý hiếm. Vừa bán hàng để kiếm tiền đầu tư, vừa thử nghiệm việc nhân giống, đến năm 2015, hai vườn lan Trang Nguyễn vủa vợ chồng Hoàng đã được hình thành tại phường Chi Lăng với rất nhiều dòng lan quý hiếm như: Phi điệp (giả hạt), đơn cam, hoàng nhạn tháng tám, trầm tím, nghinh xuân… Có được vườn lan với hàng ngàn giỏ lan quý hiếm được nhiều người chơi săn lùng, đồng thời, nắm bắt được kỹ thuật nhân giống và chăm sóc lan… vợ chồng Hoàng – Trang thuê thêm nhân công chuyên làm công việc nhân giống, chăm sóc vườn lan, đồng thơi tìm kiếm đầu ra để bán giống.

Thu tiền tỷ nhở công nghệ 4.0

Kể xong câu chuyện khởi nghiệp, Hoàng đưa tôi đến thăm vườn lan. Tại đây, hình ảnh khiến tôi phải ngạc nhiên chính là vợ của Hoàng. Người phụ nữ trong dáng dấp rất nông dân kê một chiếc thùng xốp ở ngay góc hiên căn nhà cấp bốn, một giò lan, vài nhành lan khô cùng 3 chiếc điện thoại Smartphone đắt tiền, vừa nói chuyện với ai đó vừa ghi chép. Kế bên ngôi nhà nhỏ là một vườn hoa lan rừng xanh mướt có đến hàng nghìn giỏ lan. Sau lời chào xã giao, tôi đã nhận ra người phụ nữ này bán hàng qua mạng và sản phẩm không có gì khác là hoa lan rừng. Lúc này tôi mới hiểu rõ, thời buổi công nghệ hiện đại là lý do chợ hoa lan rừng phố núi bổng dưng không còn.

“Thời 4.0 rồi mà anh. Vợ em đấy! Công việc của vợ em chỉ có vậy, một lúc nói chuyện với cả trăm người đam mê phong lan rừng. Khách hàng chỉ việc đặt hàng qua mạng, vợ em ghi địa chỉ, số lượng và chủng loại. Việc đóng thùng, vận chuyển đều có nhân viên cả”, Hoàng giới thiệu.

Sau một hồi quãng bá sản phẩm cho khách hàng, Trang dừng lại cho biết: Vườn lan Trang Nguyễn của hai vợ chồng có đến hàng trăm loài hoa lan khác nhau, mỗi loài đều có một đặc điểm riêng nhưng đều là chuẩn của dòng lan rừng Tây Nguyên. Đến thời điểm hiện nay, hai vườn lan của vợ chồng Trang có khoảng 10.000 giò lan. Giỏ lan rẻ nhất có giá 200.000 đồng, giò lan đắt tiền thì cùng có đến vài chục triệu đồng. Đối với khách hàng mua lan giống với số lượng lớn thì thường được tính đơn giá theo kilogram. Giống lan thường có giá khoảng 2 triệu đồng/kg, giống quý hiếm thì cũng lên đến cả chục triệu/kg.

Riêng đối với những giỏ lan quý, lan đột biến gen thì thường được bán theo hình thức xổ số - một hình thức đấu giá trực tuyến qua mạng. Việc xổ số này được Trang cho là tùy duyên, nếu gặp người yêu thích thì giá có thể cao hơn gấp nhiều lần. Mới đây, giỏ lan phi điệp tại vườn lan ở Hàm Rồng (Pleiku) đã được xổ số với giá 50 triệu đồng. Nhiều trường hợp xổ số những giỏ lan có giá đến vài trăm triệu nhưng giá khởi điểm chỉ vài trăm nghìn đồng…

“Tây Nguyên có một vựa lan rừng rất lớn, nhưng nếu không bảo tồn, nhân giống thì rồi cũng sẽ cạn kiệt, nhất là những dòng lan quý. Loài lan rừng đã sống được trong môi trường tự nhiên của vùng khí hậu Tây Nguyên khắc nghiệt thì không khó để nhân giống. Những dây lan dài thì cắt ra từng mắc ngâm vào dung dịch B1, sau đó cho vào giá thể để trồng, chỉ đặt hom giống nằm trên mặt chứ không lấp kín; không để úng nước, giảm ánh nắng từ 30-50% thì hom giống sẽ tự bén rễ và ra mầm”, chị Trang chia sẻ.

Cho đến nay, công việc bán hàng đều do Trang phụ trách. Còn Hoàng, ngoài việc giám sát kỹ thuật nhân giống, chăm sóc vườn lan còn nhận thiết kế, cung cấp giống và kỹ thuật chăm sóc cho những khách hàng VIP. Trải qua gần 10 năm theo đuổi kinh doanh dòng sản phẩm tao nhã, làm đẹp cho đời, vợ chồng Trang đã thu về tiền tỷ mỗi năm. Hiện nay, vợ chồng Trang đang áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cho lan rừng nở hoa đúng vào dịp tết, nhân giống, bảo quản nguồn gen đối với những loại cây ăn trái thuần chuẩn tự nhiên như: Khế, vú sữa, ổi, lê ki ma… Đây cũng là những loài cây đang được giới chơi cây cảnh sưu tầm.

Lạc vào vườn lan, tôi có cảm giác được thư giãn bởi một không gian xanh, sạch. Bất giác, tôi phát hiện ra một nụ hoa vừa hé, mà lòng khấp khởi niềm vui. Rồi đây, vườn lan Tây Nguyên này sẽ ngày càng vang rộng trong giới chơi lan của phố núi và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo:"moitruongvadothi.vn"

Tags:
Ý kiến của bạn