Ông Mai Huy Tân (SN 1949, quê Hà Nội) là một tiến sĩ toán học làm nghiên cứu sinh tại Đức, có thời gian giảng dạy tại Đức, từng làm việc tại Bộ Công Thương nhưng ông quyết định về hưu sớm, để sau đó quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi 52. Đầu tiên là mở nhà máy sản xuất xúc xích theo công nghệ Đức, sau đó chuyển qua lĩnh vực công nghệ môi trường. Ông hiện là Việt Kiều Đức, một trong những người nối nhịp cầu Việt- Đức, một lòng đau đáu với quê hương...
Tiến sĩ khởi nghiệp tuổi 52
Cuối tuần qua, chúng tôi may mắn được gặp TS Tân khi ông vào Đà Nẵng công tác, trao đổi một số vấn đề về áp dụng công nghệ xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) đang nóng do người dân bức xúc khi “chính quyền và người dân chưa tìm được tiếng nói chung”…
Ông Tân làm nghiên cứu sinh và bảo vệ tiến sĩ toán loại xuất sắc tại Đại học Tổng hợp Martin Luther, TP. Halle, Cộng hòa dân chủ Đức. Thời gian sau đó, ông tham gia giảng dạy tại Đức, thường xuyên đi qua lại Việt Nam - Liên bang Đức nên ông chính là cầu nối để áp dụng nhiều công nghệ Đức tại Việt Nam.
Sau khi xin nghỉ hưu sớm ở Bộ Công Thương, TS Tân quyết định khởi nghiệp ở tuổi 52. Ông bán căn nhà ở phố cổ Hà Nội được 1.200 lượng vàng thời bấy giờ để đầu tư nhà máy sản xuất xúc xích Việt Đức theo công nghệ Đức tại Hưng Yên, được khách hàng tin dùng, tạo tiếng vang lớn trong thời điểm bấy giờ.
Cách đây gần 10 năm, TS Tân lại đam mê lĩnh vực công nghệ môi trường nên ông thành lập Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt - Đức (ViDe Bridge) để kết nối doanh nghiệp hai nước trong một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng - công nghệ môi trường. Để tập trung chuyên sâu trong lĩnh vực mới, ông đành phải chuyển giao Nhà máy sản xuất xúc xích Việt Đức cho đối tác Hàn Quốc, và hiện nay họ mở rộng thị trường ra tầm quốc tế.
ViDe Bridge tập trung vào 4 lĩnh vực chính là hoạt động tư vấn cho các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối) và sử dụng năng lượng tiết kiệm; công nghệ môi trường (xử lý rác thải và chất thải trong sản xuất); đào tạo nghề theo mô hình song hành của Đức; y tế và sản xuất thực phẩm chức năng từ dược liệu thiên nhiên ở Việt Nam.
Là người được học hành bài bản, gặt hái nhiều thành tựu từ thực tiễn, TS Tân muốn đóng góp nhiều cho quê hương. Là một doanh nhân, ông lại càng ý thức hơn về “mối lương duyên” Việt Đức, nên ông quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực công nghệ môi trường, đặc biệt là việc xử lý rác thải hiện đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam.
Theo TS Tân, ở CHLB Đức, thậm chí còn có cả một ngành kinh tế gọi là ngành kinh tế chất thải. Ngành kinh tế này thu hút sự đầu tư của hàng nghìn doanh nghiệp Đức, có doanh thu tới hơn 50 tỷ Euro/năm.
“Tương lai không xa, chiến lược phát triển xanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ môi trường, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, TS Tân chia sẻ.
Đam mê công nghệ môi trường
Từ năm 2010, Nhịp cầu Việt - Đức đã xây dựng Dự án Trung tâm công nghệ Đức kết hợp với trung tâm dạy nghề tại tỉnh Thanh Hóa, thông qua sự hợp tác với tỉnh Mittelsachsen và thành phố Freiberg thuộc Bang Sachsen, CHLB Đức. Bên cạnh đó phải kể đến dự án chế biến chất thải biomass (rơm, trấu, mùn cưa, gỗ vụn) thành viên năng lượng sinh học để xuất khẩu và thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ)…
Bãi rác Khánh Sơn hiện đang rất nóng về việc áp dụng công nghệ nào cho hài hòa giữa chính quyền và người dân |
Nông, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam đang tạo ra một khối lượng khoảng 100 triệu tấn/năm các phụ phẩm như: rơm, trấu, bã mía, mùn cưa, cành cây, phân gia súc, gia cầm, bùn thải từ hồ ao nuôi thủy sản… nếu áp dụng các công nghệ phù hợp của Đức để chế biến những nguồn phụ phẩm tái tạo nói trên thành các sản phẩm có giá trị sử dụng cao, thì sẽ tạo dựng được một nền kinh tế chất thải với doanh thu rất lớn.
Thời gian này, TS. Tân tâm huyết với dự án “Công nghệ INTEC-TCP CHLB Đức” - một đột phá trong chiến lược xử lý rác thải ở Việt Nam. Dự án này sắp tới ông sẽ báo cáo tại một hội nghị quốc gia về công nghệ xử lý môi trường do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Công nghệ INTEC-TCP CHLB Đức rất hợp với thực tiễn của Việt Nam hiện nay, hiệu quả rất lớn về kinh tế, nó được xử lý rác bằng phân loại tự động thành hai loại, một loại tái sử dụng, phần còn lại làm khô băm nhỏ, trong quá trình đó nước bốc hơi làm nước sản xuất, còn rác được làm khô, băm nhỏ được chia làm 2 loại là làm than cốc và Syngas. Từ Syngas tạo ra điện năng phát lên lưới điện với hiệu suất cao (gấp 3 lần so với công nghệ của Trung Quốc). Công nghệ này thực hiện cho từng module 500 tấn rác thải, rất phù hợp cho những địa phương có lượng rác thải vừa phải, và thuận lợi trong việc mở rộng nhà máy khi lượng rác thải của địa phương tăng lên trong quá trình sử dụng.
Mới đây, sự việc bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) trở thành điểm “nóng” khi chính quyền và người dân “chưa tìm được tiếng nói chung” khiến người dân chặn xe rác khiến bất ổn về môi trường, an ninh chính trị. Là người am tường trong lĩnh vực này, lại đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ INTEC-TCP của CHLB Đức nên TS Tân rất đau đáu về việc này. Nếu được áp dụng thì đó sẽ là “bước tiến lớn” trong lĩnh vực công nghệ xử lý rác của Đà Nẵng và cả Việt Nam.
Theo:"moitruongvadothi"