Thảo Organica - Khởi nghiệp từ nông sản hữu cơ

Thứ sáu, 15/11/2019 - 02:53 PM      589

Đam mê nông sản an toàn, Phạm Phương Thảo đã biến ước mơ trở thành nhà cung ứng thực phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng. Hành trình dài xây dựng vùng trồng đạt chứng nhận Organic và liên kết với nông dân làm nông sản hữu cơ, Organica ra đời với cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM năm 2013. Qua 6 năm hoạt động, đến nay Organica đã mở rộng mạng lưới với 6 cửa hàng bán lẻ thực phẩm hữu cơ trên cả nước.

Giám đốc Công ty TNHH Mùa với chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica Phạm Phương Thảo chia sẻ, thời điểm khởi nghiệp năm 2013, sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam rất “quý hiếm”. Cửa hàng Organica đầu tiên ra đời chỉ bán vỏn vẹn 2 mặt hàng là gạo và trà hữu cơ. Điều mà Thảo trăn trở là làm sao có nguồn rau, củ, quả sạch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việt Nam thì chưa có nhiều, thậm chí khó tìm, nhập khẩu thì cũng khó khăn. Nhiều công ty nước ngoài ngạc nhiên hỏi “Tại sao ở Việt Nam có nhiều thuận lợi để trồng rau, trái cây đạt chuẩn hữu cơ mà phải nhập?”. Chính câu hỏi này là động lực để Thảo quyết tâm dấn thân vào rau quả hữu cơ.

Gian nan với hành trình trồng rau hữu cơ

Tìm được đất thích hợp làm trang trại ở Đồng Nai, Thảo bắt tay vào trồng rau theo tiêu chuẩn organic. Thảo kể, canh tác thông thường chỉ cần dùng phân hóa học là cây mọc nhanh hơn, dùng thuốc trừ sâu là diệt được dịch hại và dùng thuốc trừ cỏ là vườn tược sạch bong. Còn với rau hữu cơ thì sức người bỏ vào trồng trọt rất nhiều như phải nhổ cỏ bằng tay, phải tự ủ phân, thuốc diệt sâu bệnh… Ban đầu, do chưa đủ tiền làm nhà lưới nên sâu bệnh hoành hành nên phải cất công tìm hiểu cách làm thuốc bảo vệ thực vật từ sinh vật và các cây cỏ dược liệu như dùng thảo dược (ớt, tỏi) để xua đuổi côn trùng, hoặc dùng bạt nylon để ngăn cỏ… nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Thảo nhiều lần xót xa phải tiêu hủy cả vườn rau do dịch bệnh lan rộng vượt mức kiểm soát … “Chúng tôi đã có thể cứu vườn rau đó và hái đem ra chợ bán nếu mua thuốc trừ sâu, nhưng chúng tôi đã không làm vậy. Vì chỉ một lần làm thế thì sẽ có những lần sau khác và như thế sẽ chẳng bao giờ làm được rau hữu cơ”, Thảo nói.

Khó khăn là vậy nhưng rau hữu cơ lại cho sản lượng ít ỏi so với trồng rau thông thường. Như trồng dưa leo 5 vụ thì chỉ thu hoạch được 1 vụ vì 4 vụ không đạt chất lượng như trái bị đắng, cong queo xấu xí. Trồng đã khó, bán rau lại càng khó trong khi bài toán xoay vòng vốn luôn treo lơ lửng. Người tiêu dùng chưa phân biệt sự khác nhau giữa rau hữu cơ và rau an toàn. Trong khi sản phẩm Organica chưa có giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ nên nhiều người tiêu dùng nghi ngờ độ “sạch 100%” khi phải bỏ ra số tiền chênh lệch khá cao so với sản phẩm thông thường. Vậy là có thời điểm, cả nhà thường xuyên dùng rau “ế”. Khó khăn chồng khó khăn, chi phí đầu tư đã ngót vài tỷ đồng vậy mà lỗ lã triền miên hơn cả năm trời, tưởng chừng không thể cầm cự. Thảo bộc bạch “Bay cả căn nhà đang ở và biết bao công sức, tâm huyết vào trang trại. Lúc ấy, Thảo cảm giác “chạm đáy của tuyệt vọng”.

Và rau đã nở “hoa”

Trong hoàn cảnh “ngáp ngáp” ấy, Thảo vẫn cố ổn định tinh thần để tìm cách “ngoi” lên và sống tiếp với nông sản hữu cơ. Qua lời động viên từ khách hàng, Thảo nhận thấy, người tiêu dùng luôn cần sản phẩm sạch, an toàn; tức là mình đi đúng hướng thì không có lý do gì dừng lại. Chỉ còn cách duy nhất vượt qua khó khăn là phải có chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì mới mở rộng được thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khi quy trình sản xuất đúng tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp quản lý tốt hơn khâu sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Đầu năm 2014, Thảo đem mẫu đất, nước và rau gởi sang châu Âu kiểm định và tìm đến công ty tư vấn của Hồng Kông nhờ họ hướng dẫn quy trình trồng đạt chuẩn hữu cơ quốc tế.

Tháng 10/2015, trang trại Organica đã chính thức được chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA organic) và Liên minh châu Âu (EU) với sự hỗ trợ của Tổ chức cấp chứng nhận Control Union. Thảo cho biết, USDA organic và EU organic farming là hai tiêu chuẩn hữu cơ được tin cậy và sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Một sản phẩm được chứng nhận hữu cơ này có giá trị không chỉ tại nước được cấp chứng nhận mà còn được công nhận tại Mỹ, EU và toàn thế giới.

Từ ngày đạt chứng nhận, Thảo nhận thấy tín hiệu thị trường tốt hơn, nhiều người biết đến và tin tưởng lựa chọn. Tất cả sản phẩm của trang trại đều được truy xuất nguồn gốc dễ dàng, chỉ cần quét mã vạch, người tiêu dùng sẽ biết bó rau mình mua nằm ở luống nào, ai trồng, giờ nào thu hoạch, vận chuyển bằng xe gì… Thảo tự tin rằng, giai đoạn “khó khăn nhất” đã vượt qua, Organica đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Ngoài các trang trại tự đầu tư, hiện Organica cũng đang liên kết và hỗ trợ nông dân ở nhiều địa phương chuyển đổi sang canh tác hữu cơ tiến tới lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế để bao tiêu sản phẩm.

Qua 6 năm hình thành và phát triển, hiện Organica đã có 10 trang trại tự đầu tư và liên kết tại Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Hà Nội để canh tác các loại rau củ quả hữu cơ. Trong đó có 5 trang trại được chứng nhận hữu cơ của Mỹ, EU và Nhật Bản; 5 trang trại còn lại đang trong quá trình chuyển đổi để lấy chứng nhận hữu cơ.

Bên cạnh các sản phẩm tự canh tác tại các trang trại hữu cơ, Organica cũng phối hợp với các đơn vị khác có chứng nhận hữu cơ để phân phối các sản phẩm đến tay người tiêu dùng Việt Nam và nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ để phân phối trong nước. Đến nay, Organica đã có gần 1.000 mặt hàng có chứng nhận hữu cơ các loại, bao gồm các loại thực phẩm tươi, thực phẩm khô, các loại gia vị hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, sản phẩm chăm sóc gia đình, đến các sản phẩm chăm sóc cá nhân làm từ bông (cotton) có chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Theo:https://agrinews.vn/

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều