Anh Tú bén duyên với nghiệp nuôi bồ câu từ năm 2011. Ban đầu anh chỉ nuôi 10 -20 đôi chim để lấy kinh nghiệm. Dần dần khi đã tích lũy đủ vốn kiến thức, anh Tú bỏ việc ở Hà Nội về mở trang trại nuôi chim bồ câu Pháp với quy mô đầu tư ban đầu gần 1 tỷ đồng.
Ngược xuôi đến các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để học hỏi kinh nghiệm; anh tìm mua 800 cặp chim giống chất lượng cao để khởi nghiệp trên quy mô diện tích 900m2 .
Theo anh Tú, bồ câu Pháp có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thích hợp với môi trường nuôi nhốt. Tuy nhiên, muốn chim sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định thì quan trọng nhất là khâu chọn giống; hệ thống chuồng nuôi phải cao ráo, khô thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè và cung cấp đủ lượng thức ăn 2 lần/ngày. Người nuôi cũng cần chú ý quan sát đàn để phát hiện sớm các biểu hiện chim mắc tránh tình trạng lây lan trong đàn gây tổn thất lớn.
Giống bồ câu Pháp có khả năng sinh sản cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4 – 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 10 – 15 ngày chim mái sẽ sinh sản lứa tiếp theo; trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8 – 10 lứa/năm.
Sau khi ấp 16 – 18 ngày trứng nở, chim con được chim bố, mẹ chăm sóc tại chuồng, đến ngày thứ 22 đến 25, khi đạt đủ cân nặng thì có thể xuất chuồng bán thương phẩm. Hiện nay, với 800 cặp chim sinh sản, mỗi tháng anh có thể xuất bán 400 cặp chim non với giá từ 120.000 – 130.000 đồng/ cặp.
Do được thị trường ưa chuộng, chim bồ câu Pháp lúc nào cũng “cháy hàng”, chim xuất chuồng bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu.
Nhờ đầu tư hiệu quả, anh Tú đang cải tạo chuồng trại, mở rộng diện tích để nâng tổng số đàn bồ câu Pháp của mình lên 1.800 cặp giống sinh sản. Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp là hướng phát triển kinh tế hiệu quả có thể nhân rộng để người nông dân được làm giàu ngay chính tại mảnh đất quê hương.
Theo:agrinews.vn