Nếu thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi chậm, các hộ nuôi cá lồng cần cung cấp ôxy ngay bằng cách sử dụng máy sục khí tránh hiện tượng phân tầng nước gây thiếu ôxy tầng đáy. Tăng cường kiểm tra lồng bè, gia cố lại lưới lồng, hệ thống dây neo, phao lồng, tấm chắn phía đầu lồng nuôi để hạn chế tốc độ dòng chảy; khi có mưa to, gió lớn, lũ cần phải có biện pháp di chuyển lồng bè nuôi cá đến nơi an toàn, neo buộc cẩn thận. Khi có thông tin về tình hình mưa bão cần khẩn trương thu hoạch cá đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát cá. Sau khi mưa lũ đi qua, các hộ nuôi cần tiến hành vệ sinh, khử trùng lồng bè nuôi cá; cho cá ăn thức ăn có bổ sung khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá; San thưa mật độ cá trong các lồng nuôi, cho cá ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thức ăn tươi bị ươn, bổ sung vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng; Theo dõi môi trường nước và hoạt động của cá hằng ngày để kịp thời xử lý; Chuẩn bị máy cung cấp ôxy để phục vụ kịp thời khi xẩy ra tình trạng thiếu ô xy cục bộ. Đồng thời, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra, gia cố lồng bè vững chắc để tránh thất thoát cá khi xảy ra mưa lũ.
Hiện nay, toàn tỉnh Thaí Bình có 576 lồng nuôi cá trên sông với tổng thể tích 63.183m3. Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn kéo dài kèm theo lũ làm cho môi trường nước ở các lưu vực sông biến động; các chỉ số về nhiệt độ nước, lượng ôxy, độ mặn, độ pH, độ kiềm giảm đột ngột khiến cá nuôi khó thích ứng, biếng ăn, suy giảm hệ miễn dịch, dễ nhiễm bệnh đột ngột và chết. Bên cạnh đó, dòng nước chảy mạnh cũng khiến cho các lồng cá dễ bị đứt dây phao, tuột dây neo, rách lưới.
Theo:tepbac.com