Tác dụng của hoa oải hương đến cá chép nuôi

Thứ sáu, 21/02/2020 - 03:35 PM      683

Chế độ ăn uống bổ sung hoa oải hương cho thấy rõ ràng có tác dụng chống viêm ở cá chép, giúp tăng cường sức khỏe, điều hòa stress, chống oxy hóa trên cá chép.

Hoa oải hương
Hoa oải hương (Lavender)

Trong nuôi thương phẩm, cá thường dễ bị stress, sốc do phân cỡ, vận chuyển hay đánh bắt. Việc này làm sức khỏe cá bị suy giảm trầm trọng, phải tiêu tốn một nguồn năng lượng rất lớn và làm sự tăng trưởng bị ức chế. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng Cortisol, một chất ức chế miễn dịch, làm ngưng trệ các phản ứng chống viêm, chống oxy hóa. Nguy cơ làm gia tăng các bệnh nguy hiểm trên cá nuôi. 

Bệnh là nguyên nhân gây thiệt hại lớn nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản trên thế giới. Những liệu pháp chữa trị bằng kháng sinh bắt buộc người nuôi phải bỏ ra một chi lớn, hơn nửa những loại kháng sinh này còn là mối nguy hại về việc ô nhiễm môi trường và tạo nên sự kháng kháng sinh của vi khuẩn. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng kháng sinh còn tạo ra tác dụng phụ với sức khỏe cá như làm quá trình oxy hóa diễn ra nhanh hơn, ức chế các hoạt động miễn dịch và làm những thiệt hại về kinh tế trầm trọng hơn. Theo đó, người nuôi cá đang rất quan tâm đến các giải pháp chống stress, giảm căng thẳng và có thể tăng cường khả năng miễn dịch cho cá, vì vậy cũng hạn chế được tác dụng tiêu cực của kháng sinh.

Các dược liệu bổ sung vào thức ăn đang là phương pháp gây được sự chú ý vì có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm thảo dược đã được nghiên cứu ở nhiều loài cá khác nhau mang lại hiệu quả rất tích cực. Trong đó có hoa oải hương (Lavandula angustifolia) là một loại thảo dược chống viêm, chống oxy hóa và bảo vệ gan cực hiệu quả. Một nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng chiết xuất hoa oải hương giúp tăng đáng kể số lượng thực bào, giúp các hoạt động miễn dịch của bạch cầu hiệu quả hơn. Hơn nửa chiết xuất hoa oải hương rất giàu cineole và linalool, tác dụng chống viêm và chống oxy hóa cực tốt. Những tác dụng trên cho thấy hoa oải hương là một chất tiềm năng trong việc tăng cường sức khỏe cho cá .

Cá chép là một loài cá nuôi quan trọng sản lượng rất cao trong tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Tuy nhiên cá chép cũng là loài cá thường xuyên có nguy cơ stress, sốc trong quá trình nuôi. Mục tiêu của nghiên cứu này là để chứng minh chiết xuất hoa oải hương có lợi cho hiệu xuất tăng trưởng, hoạt động miễn dịch, chống oxy hóa và chống stress ở cá chép (Cyprinus carpio).


Cá chép (Cyprinus carpio).

Phương pháp và vật liệu

Chuẩn bị hoa oải hương khô, rửa sạch, tiếp tục sấy khô rồi xay nhuyễn, kế đến trộn với 1000ml nước, lọc huyền phù trên bằng máy bơm chân không. Sau đó cho ăn với 4 mức của tinh chất oải hương là 0% để đối chứng 0.5%, 1% và 1.5%, trộn với nước cho đủ 300ml, bỏ vào 1kg thức ăn, sấy khô để qua đêm rồi sử dụng cho thí nghiệm. 

Tổng số 240 con cá chép được nuôi trong 12 hồ (100l nước /hồ), có sục khí. 10 ngày sau cá đã thích nghi thì chia thành 4 nghiệm thức cho ăn 0%, 0.5%, 1% và 1.5% oải hương trong 70 ngày, với 2 cử/ngày và 2% sinh khối của cá. Mỗi ngày các bể được thay nước 75% và sục khí liên tục trong suốt thí nghiệm. Các chỉ tiêu chất lượng nước được đo thường xuyên để kịp điều chỉnh khi thay đổi. Sau 70 ngày xác định tỷ lệ tăng cân nặng, FCR, tốc độ tăng trưởng (SGR) của cá.

Thí nghiệm kết thúc, tiến hành lấy mẫu máu và gan cá. Mẫu máu đem đi tách huyết tương, mẫu gan giữ đông lạnh trong nitơ lỏng với nhiệt độ tủ đông là -70oC. Tính số lượng bạch cầu trong mẫu máu. Phân tích sinh hóa huyết tương bao gồm tổng lượng protein, albumin, glucose huyết tương. Đồng thời xác định nồng độ cortosol bằng phương pháp ELISA và enzyme của hệ miễn dịch lysozyme. Mẫu gan mang đi phân tích tình trạng chống oxy hóa. Chiết tách RNA từ mẫu thận của cá để theo dõi biểu hiện. cuối cùng là phân tích thống kê để tìm ra ảnh hưởng của mức cho ăn oải hương trong chế độ ăn. 

Kết quả 

Không thấy cá chết trong trường hợp nào, cũng không có sự khác biệt trong việc tăng trọng của cá, FCR và SGR giữa các nghiệm thức cho ăn. Đối với nghiệm thức 1% và 1.5% có lượng bạch cầu cao hơn đáng kể so với 2 mẫu còn lại. Không có sự khác biệt về tổng protein huyết tương và albumine trong các phương pháp cho ăn. Tuy nhiên nồng độ globulin huyết tương, hoạt động của hệ miễn dịch trong 2 nghiệm thức cao lớn hơn đáng kể so với nghiệm thức 0.5% và mẫu đối chứng. Ở nghiệm thức 1.5%, hạn chế được sự stress, căng thẳng của cá trong khi nồng độ cortisol huyết tương trong tất cả các nghiệm thức khác đều cao ngoại trừ nghiệm thức 1.5% này. 

Thảo luận

Hệ miễn dịch của cá là mục tiêu hướng đến cuối cùng của các sản phẩm thảo dược. Nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch của cá tăng đáng kể ở 2 nghiệm thức 1% và 1.5%. Chiết xuất hoa oải hương làm tăng số lượng tế bào thực bào, cải thiện hiệu quả của quá trình thực bào, ổn định hô hấp. Hepatoprotective là một hoạt chất trong hoa oải hương đã được chứng minh là bảo vệ gan cá chép rất hiệu quả. Enzyme lysozyme hoạt động mạnh cũng có thể là do hoạt chất này.

Chế độ ăn uống bổ sung hoa oải hương cho thấy rõ ràng có tác dụng chống viêm ở cá chép, giúp tăng cường sức khỏe, điều hòa stress do mật độ quá dày hay cải thiện chức năng chống oxy hóa của các enzyme. Điều thú vị được tìm thấy là 1.5% oải hương được bổ sung có khả năng ức chế hoàn toàn sự mất cân bằng trạng thái oxy hóa do stress gây ra. 

Cortisol và lượng glucose trong máu tăng cao là phản ứng mà cơ thể cá thích nghi để cung cấp năng lượng trong thời gian stress. Tuy nhiên cortisol với nồng độ cao sẽ tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch của cá. Chế độ ăn có bổ sung oải hương có thể ức chế sản sinh cortisol và glucose trong máu. Tóm lại hoa oải hương có tác dụng điều hòa phản ứng viêm, chống stress và chống lại sự oxy hóa tế bào của cá. Đồng thời kiềm hãm được việc sản sinh cortisol gây ức chế miễn dịch. Đề xuất nên bổ sung 11.5 % oải hương khô vào thức ăn cho cá chép nuôi.
Theo:tepbac.com

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102
Quản lý yếu tố môi trường trong ao nuôi
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:15 AM
131
Bón vôi ngày mưa đúng cách cho ao nuôi tôm
Thứ ba, 10/09/2024 - 08:14 AM
142
Tin xem nhiều
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102