Từ nhiều năm qua, sự phát triển của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản đã giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành một trong những vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh dẫn đến quá trình thâm canh hóa cùng với tình hình biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng cá luôn bị stress và hậu quả cuối cùng là sự bùng phát bệnh. Nhiễm khuẩn được coi là một trở ngại đáng kể trong nuôi trồng thủy sản thâm canh vì chúng gây ra thiệt hại nặng nề trong sản xuất. Khi dịch bệnh bùng phát bà con hay sử dụng kháng sinh và hóa chất để điều trị bệnh, tuy nhiên, áp dụng những biện pháp này đã làm xuất hiện những dòng vi khuẩn kháng thuốc và tác động xấu đến môi trường nước (Done et al., 2015; Santos, Ramos, 2018).
Những năm gần đây, các nhà khoa học đã chú trọng đến việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có tác dụng kích thích miễn dịch, chẳng hạn như prebiotic, men vi sinh và thảo dược trong nuôi trồng thủy sản. Trong số đó, thảo dược được coi là một hướng đi mới đầy triển vọng. Sản phẩm thực vật đã được áp dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản để tăng cường hiệu suất tăng trưởng, hệ thống miễn dịch và có tác dụng chống oxy hóa, do các hợp chất sinh học của chúng, chẳng hạn như alkaloids, terpenoids, saponin và flavonoid (Reverter et al., 2017).
Cây rau má có tên khoa học là Centella asiatica là một trong những cây thuốc được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền ở Việt Nam và các nước khác trong khu vực đông Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka. Rau má mọc tự nhiên khắp nơi, thường thành từng đám ở vườn, bãi ven suối, nương rẫy, bờ ruộng cao và ven rừng.
Các thành phần hóa học chính của cây rau má gồm các hợp chất tritecpen và tritecpen glucosid như axit asiatic, axit madecassic, asiaticosid, madecassosid, brahmosid và brahminosid. Ngoài ra, cây rau má còn chứa các hợp chất polyacetylen, flavonoid, ancaloid, oligosacharid, vitamin C và tinh dầu với mùi thơm đặc trưng.
Thành phần dinh dưỡng trong 100 gam dịch chiết rau má có: 88.20 g nước, 3.20 g chất đạm protein, 1.80 g chất carbohydrate (mono, disaccharide), 4.5 g cellulose, 3.70 mg vitamin C, 0.15 mg vitamin B1, 2.29 mg Calcium, 2.00 mg Phospho, 3.10 mg Sắt, 1.30 mg β carotene (tiền vitamin A…)
Theo Vaishali và cộng sự, 2016 rau má có nhiều tác dụng dược lý như chất chống ung thư, kháng khuẩn và chống viêm. Rau má còn được xem là chất có tác dụng điều hòa miễn dịch điều trị các bệnh truyền nhiễm ở động vật thủy sản có vai trò như kháng sinh. Rau má được ứng dụng nhiều, nhưng không có dữ liệu nào về việc sử dụng rau má trên cá rô phi sông Nile hiệu suất tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch.
Nghiên cứu hiện tại được thực hiện để đánh giá tác dụng của bột rau má đối hiệu suất tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch của cá rô phi (Oreochromis niloticus)
Nghiên cứu ứng dụng rau má trong nuôi trồng thủy sản
Rau má được làm sạch, sấy khô trong 48 giờ ở 50° C, sau đó nghiền thành bột mịn (0,2 mm) và trộn vào thức ăn viên của cá.
Cá rô phi (trọng lượng trung bình 17,84 ± 0,08 g) được cho ăn bột rau má với nồng độ 0, 5, 10 và 20 g/kg trong 61 ngày. Tốc độ tăng trưởng, chất nhầy da và phản ứng miễn dịch trong huyết thanh của O. niloticus đã được tính toán sau 60 ngày sau khi ăn.
Kết quả
Qua nghiên cứu cho thấy bột rau má có khả năng kích thích tăng trưởng cá. Sau 60 ngày cho ăn, nghiệm thức cho ăn bột rau má 5g/kg thức ăn có tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR), tăng trọng (WG) và trọng lượng cuối cùng (FW) cao nhất, kế đến là nghiệm thức bổ sung 10g/kg và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng.
Nghiệm thức bổ sung bột rau má cải thiện đáng kể hoạt động lysozyme và hoạt động peroxidase có trong chất nhầy da, huyết thanh của cá và đạt giá trị cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 5 g/kg thức ăn kế đến là nghiệm thức 10 g/kg. Đồng thời gia tăng khả năng thực bào và hoạt động hô hấp ở 2 nghiệm thức này.
Tóm lại, chế độ ăn bổ sung bột rau má (5g,10 g/ kg ) có khả năng kích thích tăng cường miễn dịch cho cá rô phi giúp cá chịu đựng được stress và kháng mầm bệnh. Rau má có sẳn từ tự nhiên, dễ kiếm và rẻ tiền là một phương toán kinh tế cho người nuôi. Do đó, ứng dụng bổ sung rau má vào thức ăn cá như một biện pháp phòng ngừa bệnh là cần thiết.
Theo:tepbac.com