Quảng Nam liên kết trồng rừng gỗ lớn

Thứ ba, 10/12/2019 - 03:39 PM      751

Đánh giá hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn theo chuỗi là chủ đề chính của Diễn đàn được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam.

Diễn đàn về trồng rừng gỗ lớn liên kết chuỗi được tổ chức tại Quảng Nam

Ngày 15/11, tại thành phố Tam Kỳ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Trồng rừng gỗ lớn liên kết chuỗi tại Quảng Nam”. Diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm về định hướng, giải pháp thúc đẩy thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn liên kết chuỗi tại Quảng Nam trong thời gian đến.
Diễn đàn tập trung đánh giá hiệu quả mô hình “Trồng rừng gỗ lớn liên kết chuỗi tại Quảng Nam”; chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh; cách thức thúc đẩy và triển khai, các cơ chế, chính sách của Nhà nước và của doanh nghiệp hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn.

Mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ FSC tại HTX nông nghiệp Hiệp Thuận.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã có dịp tham quan Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) – đây là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ công nghiệp tại xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức. Tham quan mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ FSC tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức.
Quảng Nam có 769.989ha đất lâm nghiệp, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên, diện tích đất có rừng là 680.602ha. Hiện nay, toàn tỉnh có 216.292ha rừng trồng, trong đó có 157.301ha rừng trồng sản xuất (SX) và diện tích đất trống được qui hoạch SX là 44.774ha.

Hiện nay, bình quân diện tích trồng rừng SX hàng năm khoảng 13.000ha, chủ yếu trồng lại sau khai thác, loài cây chủ yếu là cây keo được trồng lấy dăm làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp SX giấy với chu kỳ khoảng từ 4-5 năm.

Qua theo dõi và báo cáo của các địa phương và cơ quan quản lý thì chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn thấp, năng suất chưa cao. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hàng năm đạt khoảng 1.000.000m3, năng suất bình quân 70-75m3/ha/chu kỳ 5 năm. Trong khi đó với chu kỳ rừng trồng gỗ lớn từ 10-12 năm, sản lượng bình quân có thể lên tới 250m3/ha, mang lại doanh thu bình quân từ 300-350 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận tăng khoảng 18-25 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, trên cùng một diện tích rừng thì kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ chỉ dài thêm 5-7 năm so với gỗ dăm nhưng mang lại giá trị rừng cao hơn gấp 2,5-3 lần.

Quảng Nam là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển lâm nghiệp; là cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ… Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh mới chỉ được 3.019ha.

Sự xuất hiện của nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế bản địa, dần hiện thực hóa giấc mơ cánh rừng gỗ lớn.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2019 – 2020, Quảng Nam nhắm đến các mục tiêu quan trọng bao gồm đưa tổng diện tích thực hiện trồng rừng gỗ lớn đạt 10.000ha và tổng diện tích hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng trồng đạt 9.320ha; đưa tăng trưởng rừng đạt 20m3/ha, nâng doanh thu kinh doanh rừng lên khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm, xây dựng một Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao với diện tích 3ha.
Năm 2018, Dự án Trường Sơn Xanh tỉnh Quảng Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã hợp tác với HTX nông nghiệp Hiệp Thuận (huyện Hiệp Đức) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) hỗ trợ người dân phát triển chuổi giá trị trồng rừng gỗ lớn theo hướng FSC. Đến nay, Dự án đã hỗ trợ trồng mới 960ha rừng gỗ lớn theo hướng FSC, chuyển hóa 1.800ha rừng gỗ dăm sang gỗ lớn.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển lâm nghiệp Quảng Nam đang được dự án Trường Sơn Xanh tài trợ cung cấp cây giống và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trồng mới 860ha và chuyển hóa 1.500ha rừng gỗ nhỏ (từ 4-6 năm tuổi) thành rừng gỗ lớn (từ 8-10 năm tuổi) theo hướng FSC của người dân trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện: Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn.
Ngoài ra, dự án Trường Sơn Xanh cũng tài trợ cho Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund For Nature – WWF) hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho QNAFOR trong việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC đối với diện tích rừng nói trên.

Lãnh đạo QNAFOR cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia liên kết với Công ty trong việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ FSC thì Công ty có những chính sách sau: Công ty cung cấp miễn phí cây giống trồng mới 860ha thông qua tài trợ của dự án Trường Sơn Xanh; hỗ trợ tiền nhân công chuyển hóa rừng 01 triệu đồng/ha trên tổng số 1.500ha rừng gỗ nhỏ (từ 4-6 năm tuổi) thành rừng gỗ lớn (từ 8-10 năm tuổi) thông qua gói tài trợ của dự án Trường Sơn Xanh; Công ty tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chuyển hóa rừng gỗ lớn… Công ty cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Nếu gỗ đạt chứng chỉ FSC thì Công ty sẽ mua cao hơn từ 10-15% so với giá thị trường tùy theo chất lượng của sản phẩm.

Ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, phân tích: Người trồng rừng sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp, bởi gỗ làm ra không sợ bị các đầu nậu ép giá, thậm chí được công ty mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Có nhà máy tiêu thụ gỗ kéo theo ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng chỉ số về công nghiệp cho địa phương. Thứ nữa là người dân yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn, sẽ tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.
Ông Hùng kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình trồng rừng gỗ lớn phải nhanh chóng được cụ thể hóa. Sắp tới, UBND tỉnh phải mạnh mẽ tích tụ đất rừng từ quỹ đất mà địa phương quản lý để cho doanh nghiệp thuê trồng rừng gỗ lớn. Sớm thành lập hội chủ rừng của tỉnh và của huyện hay hợp tác xã để doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người đại diện nhằm ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai chính sách cho vay vốn trồng rừng đối với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn và chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng.
Theo Kinh Tế nông thôn

Tags:
Ý kiến của bạn