Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành gỗ, lâm sản vừa qua. |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2019 ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu tăng trưởng gần 19% so với cùng kỳ, nhiều khả năng đạt kim ngạch trên 11 tỷ USD trong năm nay.
Cụ thể, 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 9,041 tỷ USD, đi hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó có một số thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Những thị trường chính này có tổng giá trị xuất khẩu khoảng 7,81 tỷ USD, chiếm đến hơn 86% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.
Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản đã ký được nhiều đơn hàng, từ đó các hiệp hội cho rằng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam năm 2019 có thể đạt trên 11 tỷ USD.
Trong khi đó, nhập khẩu gỗ vào Việt Nam cũng tăng hơn 10% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2018 do nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho chế biến.
Sự chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy lượng gỗ nguyên liệu trong nước đang ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngành gỗ năm 2019 có nhiều thuận lợi, từ chính sách mở cửa đến các hiệp định thương mại để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp phải thận trọng, tránh việc gian lận thương mại, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ: "Có thể nói, ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang phát triển nhanh và ổn định và năm 2019 kỳ vọng 11 tỷ USD có thể đạt được. Tuy nhiên, để ngành lâm nghiệp phát triển với tốc độ như những năm qua, còn nhiều vấn đề cần quan tâm".
Thứ nhất, cần giữ được thị trường ổn định, trong đó các thị trường chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Hàn Quốc. Thứ hai, tạo điều kiện về hạ tầng cho ngành chế biến gỗ phát triển.
"Với quyết tâm của các doanh nghiệp và hiệp hội, họ sẽ có khả năng để đầu tư và khai thác công nghệ cao. Tuy nhiên, nhà nước cần tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu của họ trước hết về đất đai, hình thành các khu công nghiệp tập trung, gắn với quảng bá sản phẩm và liên kết với những dịch vụ cảng để đem lại lợi nhuận lớn nhất cho thể cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định.
Theo ông, đầu tư các khu công nghiệp tập trung trước hết có thể hướng tới các khu vực ở miền Trung và miền Bắc, trước mắt là Nghệ An, sau đó là những địa phương gần TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước...
"Nếu không mở thêm các khu công nghiệp chế biến tập trung, khó có khả năng chúng ta đạt được mục tiêu kim ngạch 20 tỷ USD năm 2025", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Hà Công Tuấn khi cho rằng không có hạ tầng thì không thể phát triển được, nhất là với mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, ông Xuân cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp tập trung cho ngành gỗ tại Nghệ An cần xem xét thêm, vì ngoài lợi thế về rừng và chính sách hỗ trợ đất, vấn đề đặt ra ở địa phương này là cảng nước sâu.
"Vấn đề ở Nghệ An là nếu có sản phẩm thì chưa có cảng còn nếu đầu tư cảng nước sâu thì sản phẩm chưa chắc đã đáp ứng được", ông Lê Xuân Quân nêu ý kiến.
Theo Chủ tịch DOWA, nếu như các khu công nghiệp được đặt ở Bình Dương, Đồng Nai thì có thể sử dụng cảng Cát Lái làm nơi vận chuyển, chi phí cho mỗi container từ xưởng đến cảng vào khoảng 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu đặt khu công nghiệp ở Nghệ An, khi vận chuyển mỗi container ra đến cảng Hải Phòng, chi phí sẽ vọt lên đến hơn 8 triệu đồng.
|
Đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc với Thứ trưởng Hà Công Tuấn. |
Trao đổi về vướng mắc này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng có thể sử dụng cảng nước sâu ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ông Quân cho biết, nếu cảng nước sâu Hà Tĩnh chỉ phục vụ cho khu công nghiệp ở Nghệ An thì không đủ lượng sản phẩm cho tàu, vì vậy các đơn vị vận chuyển sẽ không lựa chọn phương án này.
Do đó, việc lựa chọn địa điểm để xây dựng các khu công nghiệp tập trung cho ngành gỗ sẽ cần xem xét, lựa chọn thêm.
Ngoài chế biến, một vấn đề căn cốt nữa của ngành công nghiệp lâm sản là nguồn nguyên liệu trong nước khi dư địa nhập khẩu nguyên liệu gỗ tròn không còn nhiều nữa. Do đó, ngành lâm nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ nâng cao năng suất bằng cách chọn giống và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
"Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là một vấn đề cực kỳ quan trọng", ông Hà Công Tuấn nói thêm. Theo Thứ trưởng Tuấn, đến nay, Việt Nam đã có 250.000 ha được cấp chứng chỉ này nhưng vẫn còn rất thấp so với mục tiêu 3 triệu hecta.
"Bên cạnh việc thu hút đánh giá chứng chỉ của các tổ chức quốc tế, chúng ta cần thực hiện chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam dựa trên Luật Lâm nghiệp. Bộ NN-PTNT đã ban hành thông tư và tới đây sẽ trình Chính phủ để hoàn thiện hệ thống chính sách về chứng chỉ này nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ cho chủ rừng", Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cho biết.
Theo ông, việc cấp chứng chỉ trong nước, không chỉ đẩy nhanh tiến độ mà còn giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho các chủ rừng trong quá trình làm thủ tục cho 3 triệu hecta rừng như mục tiêu đề ra.
Trong năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội đồng quản trị rừng thế giới (PSC) để hài hòa các quy định quốc tế và Việt Nam, làm thí điểm trên hàng chục nghìn hecta cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su để rút kinh nghiệm và tạo đà, tăng tốc cấp chứng chỉ cho các chủ rừng trong năm 2020.