Quản lý nhiệt độ nước
Ở các tỉnh miền Bắc, trong mùa đông và mùa xuân thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ nước thường xuống rất thấp. Một số loài có khả năng chịu rét kém có thể bị ảnh hưởng là: rô phi, điêu hồng, chim trắng, cá rô đầu vuông, ếch, tôm càng xanh...
Mặt khác, khi nhiệt độ nước xuống thấp, cá và các loài động vật thủy sản ít vận động chúng thường tập trung ở đáy ao là nơi có nhiệt độ cao hơn các tầng nước phía trên. Trong điều kiện đó, chúng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm và các loài ký sinh trùng.
Có nhiều giải pháp để giữ cho nhiệt độ nước ao không bị xuống thấp. Cách phổ biến nhất là “sâu ao, cao bờ”. Luôn luôn giữ mực nước từ 2 - 3 m và bờ ao cao hơn so mới mặt nước khoảng 1 m. Biện pháp này nhằm hạn chế thoát nhiệt của môi trường nước vào không khí. Có thể thả bèo tây hoặc cây thủy sinh kín khoảng 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao ở hướng đón gió, nhưng cần lưu ý là giải pháp này có thể có rủi ro vì hạn chế ôxy hòa tan vào nước.
Đối với bể nuôi hoặc ao nhỏ, có thể dựng khung và phủ nilon kín khoảng không phía trên mặt nước; giải pháp này tuy có chi phí nhưng vừa che chắn được gió, tránh làm mất nhiệt, vừa tạo hiệu ứng nhà kính tích nhiệt cho môi trường nước ao.
Đối với các thủy vực hẹp, lưu giữ với mật độ cao cá bố mẹ hoặc các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao thì có thể chọn giải pháp sục khí đã được làm ấm. Phương pháp này vừa bổ sung ôxy, vừa bổ sung nhiệt cho môi trường nước.
Tăng sức đề kháng
Bên cạnh các giải pháp quản lý nhiệt độ nước, người nuôi cần tranh thủ các ngày nắng ấm cho động vật thủy sản ăn đủ dinh dưỡng, đồng thời bổ sung các yếu tố dinh dưỡng có tác dụng làm tăng sức đề kháng như Vitamin B, C...
Nhu cầu tiêu thụ thức ăn của động vật thủy sản trong mùa lạnh thấp hơn mùa ấm, do vậy, người nuôi cần lưu ý: Sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao và không cho ăn dư thừa. Dư thừa thức ăn dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức đề kháng vật nuôi.
Loại bỏ các nguy cơ gây bệnh
Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, tránh kéo lưới, đánh bắt cũng như làm cho động vật thủy sản bị hoảng loạn. Nếu các tình huống trên xảy ra, động vật thủy sản có thể bị xây sát và các tác nhân như vi khuẩn, nấm... sẽ tấn công gây bệnh cho cá. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, sát trùng nước ao bằng vôi bột hay một số loại thuốc sát trùng như: BKC, Chlorine, Iodine...
Người nuôi có thể bổ sung thêm thuốc phòng bệnh. Loại thuốc thảo dược phổ biến có thể sử dụng như thuốc Tiên đắc (bột tỏi) trộn vào thức ăn viên ẩm với liều lượng 100 g thuốc dùng cho 500 kg cá/ngày cho ăn trong 3 ngày liên tục. Khi quan sát thấy cá có biểu hiện mắc bệnh cần xử lý bệnh sớm. Liều dùng thuốc chữa bệnh gấp 5 lần liều cho ăn phòng và cho ăn liên tục trong 5 - 7 ngày. Lưu ý, khi dùng thuốc phòng trị bệnh ko cho cá ăn trước 1 ngày và lượng thức ăn trộn với thuốc giảm một nửa so với ngày bình thường để bảo đảm cá sử dụng hết thức ăn.
Bên cạnh các giải pháp trên, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi để phát hiện những hiện tượng bất thường để có các giải pháp phù hợp và xử lý kịp thời.
Theo: Thủy Sản Việt Nam