Theo Tổng cục Thủy sản, tiềm năng nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc còn rất lớn với hơn 300.000 ha, trong đó có 90% diện tích nuôi nước ngọt; tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá. Năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc đạt gần 200.000 ha, sản lượng hơn 900.000 tấn. Tuy nhiên, phát triển thủy sản ở các tỉnh phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn như: việc quản lý chất lượng giống khó kiểm soát, điều kiện của các cơ sở kinh doanh giống còn gặp nhiều khó khăn; công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa hiệu quả; biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, dễ phát sinh dịch bệnh…
Tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía Bắc còn rất lớn
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: Gắn sản xuất nuôi trồng với bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo chuyển biến cho chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản… Một số kinh nghiệm cũng được các đại biểu chia sẻ: Kinh nghiệm nuôi cá sông trong ao tại Hải Dương; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Bắc Ninh, Thái Bình; Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi cá rô phi thâm canh tại Bắc Giang.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các địa phương quy hoạch vùng nuôi cá trọng điểm, tập trung đầu tư hạ tầng khu vực sản xuất giống, khu nuôi tập trung để tạo ra các vùng sản xuất thủy sản hàng hóa; Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến quy trình nuôi, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.
Theo: Thủy Sản Việt Nam