Tác nhân gây bệnh
Bệnh sưng vòi ở tu hài xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta vào năm 2011. Nguyên nhân chính được xác định là do VLPs (Virus-like particles) ký sinh trong phần vòi của tu hài bệnh (Phan Thị Vân và cs., 2013, Trương Thị Mỹ Hạnh và cs., 2014; 2015). VLPs có dạng hình que, kích thước khoảng 70 - 90 x 600 - 1.000 (nm), cấu trúc có vỏ bọc ngoài, màng ngoài, màng trong, lõi. Giữa các VLPs còn liên kết với nhau bằng màng phức hợp ngoài. Cấu tạo của VLPs không giống với bất kỳ loại virus nào đã được miêu tả trước đây, chúng thường tập trung thành từng đám và ký sinh trong bào tương của tế bào vật chủ.
Đặc điểm bệnh
Bệnh xuất hiện ở cả tu hài giống bé (kích thước khoảng 2 mm) và tu hài giống lớn (2 - 3 cm), tu hài ở kích cỡ thương phẩm có tỷ lệ chết cao. Trong điều kiện các yếu tố môi trường bất lợi như pH, độ mặn cao hoặc mật độ vi khuẩn đạt mức 104 khuẩn lạc/ml với 3 loài V. cholera, V. alginolyticus và V. mediterrane thì bệnh trở nên nghiêm trọng hơn; tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.
Theo nghiên cứu của Đặng Thị Lụa và cs. (2019), con giống được xác định là một nguồn lây lan mầm bệnh đến các vùng nuôi tu hài.
Dấu hiệu bệnh lý
Khi bị bệnh, tu hài có biểu hiện sưng vòi và trải qua 4 giai đoạn phát triển với các dấu hiệu bệnh lý: sưng vòi; xung quanh vòi được bao bọc mới màng trắng nước; vòi bị sùi lên và lớp biểu mô vòi bị bong tróc; vòi bị teo và chết. Bệnh làm tu hài không thể lọc thức ăn, gây chết sau khoảng 10 ngày.
Hình 1. Biểu hiện bệnh lý của tu hài trong điều kiện thí nghiệm tiêm dịch lọc tu hài bệnh ở các điều kiện độ mặn khác nhau (Nguồn: Đặng Thị Lụa và cs. (2019)). (A) Vòi tu hài có bọng nước; (B) Tu hài sưng vòi (mũi tên) và tu hài khỏe.
Chẩn đoán
Phương pháp kính hiển vi điện tử được sử dụng chẩn đoán bệnh dựa trên việc xác định sự có mặt của VLPs và kết hợp với việc quan sát biểu hiện bệnh lý đặc trưng trên tu hài.
Phòng bệnh
Tu hài thường được nuôi ở những vùng bãi bồi hoặc vũng vịnh ven biển có thủy triều lên xuống hàng ngày; do vậy, khi dịch bệnh xảy ra sẽ lây lan nhanh, việc chữa trị không hiệu quả. Vì vậy, việc phòng bệnh là rất cần thiết.
Hiện nay, do nhu cầu lớn về con giống nên người nuôi chủ yếu phải nhập con giống hoặc tự lai giống đến thế hệ F3, F4 khiến sức đề kháng của con giống yếu, hiệu quả nuôi trồng không cao. Vì vậy, khi lựa chọn giống, người nuôi nên lựa giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh; trong quá trình vận chuyển cần lưu ý hạ nhiệt độ để tu hài khỏe mạnh sau khi thả.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo nằm trong ngưỡng sinh trưởng và phát triển của tu hài, khi có dấu hiệu bất thường cần có điều chỉnh phù hợp.
Trong quá trình nuôi, cần vệ sinh dụng cụ nuôi định kỳ 2 - 3 lần/tháng vào các ngày thủy triều thấp nhất; loại bỏ rác, sinh vật bám ở bề mặt rổ; từ tháng thứ 2 trở đi, bổ sung cát để tăng độ dày lên 15 - 20 cm.
Hàng tháng kiểm tra sự sinh trưởng của tu hài. Giai đoạn thương phẩm, có thể dùng tay bới cát để xem; nếu phát hiện chỗ nào cát có màu đen thì ở đó có tu hài chết thì cần loại bỏ.
Trong trường hợp thời tiết mưa, nắng kéo dài hoặc rét cần thả tu hài xuống sâu hơn; kiểm tra, gia cố giàn treo tu hài chắc chắn, nhất là vào thời điểm mưa bão.
Kiểm soát vận chuyển tu hài, hạn chế tình hình lây lan dịch bệnh, giá thể nuôi tu hài thu gom xử lý theo đúng quy định. Chú ý đến mùa vụ thả nuôi thích hợp cho tu hài.
>> Kết quả thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn đến sự xuất hiện bệnh sưng vòi của Đặng Thị Lụa và cs. (2019) cho thấy, nghiệm thức tu hài nuôi ở độ mặn 20‰ và 40‰ cho tỷ lệ chết cao 100%, trong khi nuôi ở độ mặn 30‰ thì tỷ lệ chết thấp 16,67%. Kết quả này chứng minh, độ mặn là yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến sự bùng phát, phát triển của bệnh. |
Theo: Thủy Sản Việt Nam