Nguyên bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối mặt án tử

Thứ bảy, 21/12/2019 - 03:50 PM      527

Đến ngày 20-12, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chưa nộp lại 3 triệu USD, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Son

Tại phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án liên quan dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG diễn ra 20-12, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son chịu trách nhiệm cao nhất

VKSND nhận định bị cáo Nguyễn Bắc Son với chức vụ bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) có vai trò quyết định trong việc triển khai dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, bị cáo đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone và các thành viên chủ chốt tại MobiFone thực hiện dự án dẫn đến sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi thương vụ hoàn tất, bị cáo đã nhận số tiền hối lộ 3 triệu USD.

Nguyên bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối mặt án tử - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son được dẫn giải đến phiên tòa

Trong quá trình điều tra, bị cáo Son đã khai nhận hành vi phạm tội, thừa nhận vai trò của mình nhưng tại phiên tòa lại phủ nhận, sau lại thừa nhận một phần. Điều này cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn hối lỗi về hành vi của mình. Số tiền 3 triệu USD chưa được nộp lại.

Bị cáo Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone, nhận thức rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua theo tư vấn cao so với giá trị thể hiện trên sổ sách nhưng vẫn thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Son và chỉ đạo cấp dưới thực hiện dự án để mua 90% cổ phần AVG (giá mua là gần 8.900 tỉ đồng).

Sau khi dự án được ký, Lê Nam Trà được nhận 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ nguyên Chủ tịch AVG. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Lê Nam Trà thành khẩn khai báo, chủ động khắc phục hậu quả. Bị cáo nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn phải xử ở mức án cao nhất nhưng quá trình điều tra đã chủ động nộp lại tiền, thành khẩn khai báo nên cần áp dụng dưới khung hình phạt.

Bị cáo Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT, biết thẩm quyền quyết định đầu tư phải tuân thủ theo luật nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án; dẫn đến việc MobiFone tổ chức thực hiện dự án, ký các thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Kết quả thẩm vấn tại tòa thể hiện ông Trương Minh Tuấn (lúc đó là thứ trưởng) ký quyết định 236 là không đúng trách nhiệm được phân công. Ông Tuấn không đồng ý ký quyết định và đã báo cáo ông Son, nhưng ông Son vẫn chỉ đạo phải ký vì ông Tuấn phụ trách lĩnh vực phát thanh truyền hình. Trong nhóm bị cáo nhận hối lộ, ông Tuấn nhận số tiền ít nhất là 200.000 USD và chủ động tích cực khắc phục hậu quả, tự thú hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Phạm Nhật Vũ với vai trò chủ tịch hội đồng quản trị AVG đã gọi cho ông Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị ông Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG. Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền hối lộ cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD. Tuy nhiên, trước khi vụ án bị khởi tố, Phạm Nhật Vũ đã chủ động khắc phục toàn bộ, tích cực phối hợp cung cấp tài liệu với cơ quan điều tra và đã nhận thức được hành vi của mình.

Nộp 3 triệu USD, bị cáo có được giảm án?

Tại phiên tòa ngày 20-12, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết ngày 19-12 đã gặp gia đình và trao đổi việc sớm khắc phục số tiền đã nhận bất hợp pháp (3 triệu USD), những ngày tới gia đình ông sẽ cố gắng nộp lại.

Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Bắc Son từng khai đưa số tiền nhận hối lộ cho bà Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái ông Son). Tuy nhiên, bà Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ bố. Đến nay, cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Huyền.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng theo điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015, nếu người lãnh án tử hình về tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản tham ô, tài sản đã nhận hối lộ sau khi bị kết án thì hình phạt sẽ chuyển từ tử hình xuống chung thân. "Quy định này áp dụng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Trước hoặc trong quá trình xét xử, nếu bị can - bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả thì cơ quan pháp luật xem đó là tình tiết giảm nhẹ khi đề nghị mức hình phạt, quyết định mức hình phạt" - luật sư phân tích.

Theo luật sư Cường, việc bà Nguyễn Thị Thu Huyền thừa nhận hay phủ nhận có cầm 3 triệu USD thì lúc này việc nộp tiền sẽ khác nhau về bản chất. Nếu bà Huyền thừa nhận đã nhận tiền từ bố, bà Huyền có thể đối mặt việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" (điều 323 Bộ Luật Hình sự 2015). Nếu trường hợp nhận tiền từ bố nhưng không biết nguồn gốc, bà Huyền có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải nộp lại 3 triệu USD theo hình thức thu hồi.

Trường hợp khác, nếu ông Son thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD nhưng khai không đưa cho con gái mà bản thân tiêu gì cũng không nhớ, lại liên hệ gia đình khắc phục số tiền để nộp lại và khoản này không liên quan tiền nhận hối lộ thì sẽ được coi là "khắc phục hậu quả". 

Bị cáo Phạm Nhật Vũ bị đề nghị 3-4 năm tù

Tổng hợp 2 tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ", đại diện VKS đề nghị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son tử hình; Lê Nam Trà: 23-25 năm tù, Trương Minh Tuấn: 14-16 năm tù và Cao Duy Hải: 14-16 năm tù. Đối với tội danh "Đưa hối lộ", VKS đề nghị phạt bị cáo Phạm Nhật Vũ 3-4 năm tù.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).
Tags:
Ý kiến của bạn