Lãnh đạo cùng cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã trực tiếp xuống bãi nuôi ngao kiểm tra. Qua kiểm tra tại hiện trường, ngao nuôi thương phẩm của 28 hộ bị chết trên diện tích 53,3 ha, tỷ lệ chết từ 40 đến 50% số lượng ngao trong bãi nuôi và một hộ nuôi ngao trên diện tích 8,7 ha có tỷ lệ ngao chết tới 90%. Mật độ ngao sống còn lại tại các bãi nuôi thương phẩm từ 640 đến 800 con/m2 (cỡ ngao 100 đến 120 con/kg).
Cùng với việc lấy mẫu ngao, mẫu nước gửi cơ quan chuyên môn phân tích, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị huyện Quảng Xương kịp thời tổng hợp tình hình, thống kê thiệt hại; phân công cán bộ chuyên môn giám sát chặt chẽ tình hình nuôi ngao trên địa bàn để kịp thời cập nhật thông tin, đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời. Cán bộ huyện Quảng Xương cùng chính quyền cơ sở đã hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh gây ô nhiễm sang các vùng nuôi khác. Gửi mẫu nước, mẫu ngao đến Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho kết quả: Hai mẫu nước có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số nằm trong giới hạn cho phép và hai mẫu vượt ngưỡng cho phép. Mẫu ngao nuôi tại hai hộ lấy mẫu đều không nhiễm vi khuẩn Vibrio và Perkinsus sp.
Theo cơ quan chuyên môn, chưa phát hiện được các yếu tố môi trường bất lợi gây chết ngao dựa trên kết quả kiểm tra các thông số môi trường của bốn mẫu.
Cán bộ Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa thông tin thêm: Kết quả phân tích mẫu nước, mẫu ngao của Thú y vùng 3 và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đều cho biết, ngao nuôi không bị bệnh; các yếu tố phân tích chỉ tiêu về môi trường, chất lượng nước trong giới hạn cho phép. Nông hộ nuôi ngao trên đồng triều ở xã Quảng Nham tới hơn 1.000 con/m2 và thời điểm kiểm đếm ngao thương phẩm còn sống tại bãi nuôi có số lượng từ 640 đến 800 con/m2 trong khi cơ quan chuyên môn khuyến cáo chỉ nuôi thả 200 đến 250 con ngao/m2. Nuôi ngao mật độ dày gặp thời tiết giao mùa, nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm lớn, gây hiện tượng ngao xốc, chết cục bộ rồi phân hủy, làm ô nhiễm môi trường đồng nuôi.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nếu ngao nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm nông hộ nên thu hoạch sớm nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra; những bãi nuôi có mật độ nuôi thả ngao dày mà chưa đạt kích cỡ thu hoạch phải tiến hành san thưa, di chuyển ngao đến vùng nuôi có các yếu tố môi trường ổn định. Giai đoạn này không nên thả giống ngao nuôi, phải cải tạo sạch bãi nuôi trước khi thả giống mới. Cần tăng cường kiểm tra các yếu tố môi trường như độ mặn, pH, nhiệt độ, làm cơ sở dữ liệu quản lý môi trường, dịch bệnh cho vùng nuôi ngao trong những năm tiếp theo.
Theo:tepbac.com