Làm giàu thành công với nghề nuôi hàu giống, thu tiền tỷ mỗi năm

Thứ năm, 25/07/2019 - 02:52 PM      512

Là người đầu tiên đưa nghề nuôi hàu giống về vùng quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để phát triển sản xuất, đến nay gia đình ông Đinh Hữu Ước thu về hàng tỷ đồng mỗi năm chỉ từ việc xuất bán giống.

Chia sẻ về những cơ duyên đến với nghề làm hàu giống, ông Ước kể: Tôi tham gia sản xuất thủy sản tại khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung từ năm 2005.

Những năm trước đây ông nuôi tôm sú và cua xanh. Với điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng được địa phương đầu tư, tôi bắt tay vào sản xuất trên diện tích 1 ha, có năm điều kiện thời tiết thiên nhiên và môi trường thuận lợi cho thu nhập có lãi từ 50 - 60 triệu đồng/năm, song cũng có nhiều năm do bão lụt, dịch bệnh dẫn đến thua lỗ thậm chí có vụ mất trắng. Do vậy ông trăn trở, băn khoăn là phải làm cách gì, làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình.

"Năm 2014, tôi ứng dụng nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 0,8 ha ở vụ 1 thành công, cho thu nhập 120 triệu đồng. Vụ 2 tôi tiếp tục nuôi thả, xong do ảnh hưởng của thời tiết gió hanh may, cuối năm nhiệt độ xuống thấp, lạnh giá dẫn đến tôm không sinh trưởng, phát triển theo quy luật nên không hiệu quả...", ông Ước nhớ lại.

Năm 2015, ông tiếp tục cải tạo nâng cốt đáy ao thành ao nổi để nuôi tôm thẻ chân trắng, song sau thời gian nuôi gần 3 tháng thì tôm bị bệnh gan tụy chế hàng loạt, ông phải đánh bắt khẩn cấp mới thu đủ tiền giống, thua lỗ nặng nề.

Ương hàu giống tại một cơ sở sản xuất ở xã Kim Trung, huyện Kim Sơn. Ảnh: Nguyễn Lựu.

Thất bại liên tiếp, ông quyết định đi thăm quan, học hỏi các địa phương khác xem cách họ làm thế nào để thành công. Từ đó ông đã tiếp cận với một số chủ trang trại sản xuất giống ngao, hàu ở Thái Bình, Hải Phòng và thăm quan khu vực nuôi thả hàu đại dương ở Quảng Ninh để về ứng dụng sản xuất tại Kim Trung.

Cùng với sự lỗ lực của cá nhân, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện và để phát triển kinh tế của gia đình, được sự quan tâm của địa phương, năm 2016 ông đề nghị và được UBND xã Kim Trung tạo điều giao khoán thêm 1ha đất để đầu tư xây dựng nhà trại sản xuất hàu giống. Với tổng diện tích 2ha, ông tổ chức sản xuất ngao - hàu giống kết hợp nuôi 1 vụ tôm. Năm 2016, bước đầu cho thu nhập trên 1 tỷ đồng; năm 2017 và 2018 tổng thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Ông Ước cho biết thêm: Mô hình sản xuất hàu giống đảm bảo về môi trường vì nuôi tảo tự nhiên, thời gian quay vòng nhanh, ít chịu ảnh hưởng về thời tiết do có nhà xưởng để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng... Trong quá trình sản xuất hàu giống, ông ký hợp đồng trực tiếp với công ty thủy sản ở Quảng Ninh về tiêu thụ con giống, đảm bảo ổn định về đầu ra và tương tác hỗ trợ giữa doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Đồng thời tạo điều kiện giúp cho một số trại trong khu vực trong và ngoài xã bán sản phẩm. Không chỉ tạo ra thu nhập lớn cho gia đình, cơ sở sản xuất hàu giống của ông Ước còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 7 lao động ở địa phương, có mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng, có thời điểm lên tới 20 lao động/ngày.

Với hiệu quả kinh tế đem lại, nghề nuôi hàu giống được các cấp chính quyền xã Kim Trung đặc biệt quan tâm, hỗ trợ chính sách giúp các hộ nuôi phát triển sản xuất. Ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Nghề nuôi hàu giống đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Do đó, chính quyền xã rất ủng hộ nhân dân phát triển sản xuất theo ngành nghề này. Kim Trung hiện còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc phát huy nguồn lực của nhân dân để hoàn thành các tiêu chí là yếu tố tiên quyết.

Vì vậy, xã Kim Trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ về đất, hiện xã đang tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống kênh mương vùng nuôi trồng thủy sản, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Như vậy, nghề nuôi hàu giống bắt đầu xuất hiện từ năm 2016 nhưng đến nay đã phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh các cơ sở sản xuất riêng lẻ còn có nhiều hộ kết hợp sản xuất cả giống ngao và hàu.

Theo thống kê của Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, trên địa bàn vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ Kim Sơn hiện có 108 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhuyễn thể, trong đó có 60 cơ sở sản xuất hàu giống, gần 40 cơ sở sản xuất ngao giống.

Do khởi đầu là một nghề tự phát nên kỹ thuật nuôi trồng của các hộ sản xuất đều là tự truyền cho nhau hoặc học hỏi ở các mô hình trước đó, chưa được đào tạo một cách bài bản.

Do vậy, để nghề nuôi hàu giống phát triển bền vững, cũng rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho người dân.

Ông Phạm Văn Hải, Trưởng trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh cho biết: Thời gian qua, Trạm đã mở nhiều lớp tập huấn kiến thức sản xuất ngao giống, góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các hộ nuôi trong vùng. Với xu thế phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi hàu giống, Trạm cũng đã lên kế hoạch đào tạo một lớp dạy nghề sơ cấp trong thời gian 3 tháng cho các hộ sản xuất.

Qua lớp đào tạo sẽ trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về đặc tính của giống hàu, cách lựa chọn giống đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hàu giống, những dịch bệnh có thể mắc phải cũng như yêu cầu để đảm bảo vệ sinh môi trường của cơ sở sản xuất. Qua đó cũng mong muốn nghề nuôi hàu giống tiếp tục phát triển, nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Nghề nuôi hàu giống mới xuất hiện ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) từ 2-3 năm trở lại đây, tập trung ở vùng nuôi trồng thủy sản của 3 xã Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung. Đến nay, toàn huyện có hơn 60 cơ sở sản xuất hàu giống, mỗi năm xuất đi khoảng 420 triệu con giống.
Theo:"moitruongvadothi"

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều