Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Lê Trọng Thiện, đội 1, xã Đông Khê (Đông Sơn) luôn ước mơ được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Biến ý tưởng thành hiện thực, nhờ sự chịu khó, cần cù, vừa làm, vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay mô hình phát triển kinh tế với nghề sản xuất nấm và chế tạo máy thiết bị tự động hóa quy trình trồng nấm của anh bước đầu đã “gặt hái” được nhiều thành công.
Chúng tôi gặp thanh niên Lê Trọng Thiện trong xưởng sản xuất cơ khí ở đội 1, xã Đông Khê (Đông Sơn), bộ quần áo bảo hộ lao động còn dính dầu mỡ và gương mặt nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng hè gay gắt. Không ai biết rằng, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, những năm tháng tuổi trẻ của anh đã đánh đổi bằng nhiều khó khăn và thất bại.
Trang trại trồng nấm của anh Lê Trọng Thiện, xã Đông Khê (Đông Sơn). |
Tiếp chúng tôi bên chiếc bàn nhỏ trong góc xưởng, trên gương mặt không giấu được niềm vui khi chỉ mới cách đây vài giờ đồng hồ, anh đã ký kết thành công hợp đồng trị giá hàng trăm triệu đồng cung cấp máy trong dây chuyền sản xuất phôi nấm với Công ty CP Đầu tư và Phát triển ATC (Nghệ An). Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với nghề trồng nấm, anh Thiện cho hay: Sau những năm tháng rèn luyện trong giảng đường đại học, chuyên ngành kế toán, tưởng chừng sẽ tìm đến với một công việc đúng với ngành học, nhưng khát khao được trải nghiệm của tuổi trẻ đã đưa cuộc đời anh rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác. “Năm 2014, tình cờ biết đến HTX nấm Đông Hòa, được tận mắt chứng kiến mô hình trồng nấm của các thành viên trong HTX, tôi đã tìm hiểu và “yêu” nghề này lúc nào không hay.
Tuy nhiên, đối với một người “tay ngang”, thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ việc thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm tới đầu ra sản phẩm cũng không ổn định” - anh Thiện cho biết. Những thất bại ban đầu không làm chàng trai trẻ nản chí, anh đã dừng công việc sản xuất để tập trung nghiên cứu kỹ thuật và tham quan một số trại trồng nấm trong và ngoài tỉnh để học hỏi, từ đó cải tiến thành những phương pháp phù hợp nhất. Thành công đã “mỉm cười” khi thời gian sau đó, anh đã sản xuất thành công hơn 20 nghìn phôi nấm các loại. Từ những loại nấm được trồng đại trà như sò trắng, sò nâu,... anh đã nghiên cứu trồng những loại nấm đòi hỏi kỹ thuật, có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, nấm hoàng đế... Sản phẩm nấm của anh cung cấp cho 4 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Năm 2017, chuyến đi tham quan xưởng sản xuất máy phục vụ trong quy trình trồng nấm tại Trung Quốc được xem là bước ngoặt quan trọng, tiếp thêm “ngọn lửa” đam mê của anh đối với những phôi nấm. Tại đây, khi được tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất, lắp ráp nhiều loại máy, thiết bị góp phần tự động hóa từ công đoạn nuôi cấy phôi đến đóng bịch sản phẩm, anh luôn trăn trở tự hỏi bản thân: “Tại sao mình không dựa trên những loại máy của nước bạn để cải tiến phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước nhằm tự động hóa nghề trồng nấm?”.
Nghĩ là làm, anh Thiện cùng một người bạn là kỹ sư đã nghiên cứu, vay vốn mua nguyên liệu, sản xuất ra những loại máy trong dây chuyền sản xuất phôi nấm. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh Thiện không giấu được xúc động khi chứng kiến phôi nấm đầu tiên trồng thành công bằng những loại máy do chính bản thân mình chế tạo ra. Đến nay, anh Thiện cùng đồng nghiệp đã sản xuất thành công 7 loại máy trong dây chuyền sản xuất phôi nấm, như: Máy sàng mùn cưa và phá bịch nấm thải, máy trộn nguyên liệu... Trong đó, có 2 loại máy độc quyền được anh nghiên cứu để khắc phục một số hạn chế so với các loại máy trên thị trường là máy đóng bịch trục quay và lò hấp phôi nấm tự động.
Không tự hài lòng với những gì đã có, đầu năm 2018, anh thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt để thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, anh Thiện đã có gần 20 hợp đồng với nhiều công ty trong và ngoài tỉnh, cung cấp máy trong dây chuyền sản xuất phôi nấm. Mỗi năm, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng, xưởng sản xuất của anh hiện đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, dây chuyền tự động trồng nấm của anh Thiện đã đoạt giải nhất trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ 4, năm 2019”.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Thiện cho biết: “Thời gian tới, áp dụng dây chuyền tự động trồng nấm, tôi sẽ sản xuất 30 - 40 nghìn bịch phôi các loại nấm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, lắp ráp các loại máy trong dây chuyền cấy giống nấm tự động và hệ thống đóng nắp bịch giống”. Với mong muốn hướng nghiệp cho bạn trẻ, anh Thiện đã xây dựng Đề án “Máy tự động trồng nấm kết hợp nông trại trải nghiệm”. Dự tính trong năm 2020 sẽ triển khai thực hiện.
Theo:"moitruongvadothi"