Khởi đầu suôn sẻ
Tại Sóc Trăng, ngay từ những ngày đầu tháng 11/2019, độ mặn và một số chỉ tiêu môi trường tại một số vùng nuôi đã đạt ngưỡng cho phép thả nuôi, nên không khí chuẩn bị cho vụ nuôi mới cũng trở nên sôi động. Anh Lâm Minh Lớn, ở xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết: “Năm nay, độ mặn lên sớm nên rất thuận lợi cho những mô hình nuôi TTCT lót bạt đáy. Một số hộ đã thả nuôi và tôm đang phát triển khá tốt; còn hộ nuôi ao đất đều đã cải tạo ao và trong tháng 3 sẽ thả giống. Giá tôm từ cuối vụ năm 2019 đến nay vẫn còn khá cao nên người nuôi tôm có thêm tự tin bước vào vụ mới. Nói chung, các yếu tố liên quan đến ngành tôm hiện đang rất tốt và người nuôi tôm rất kỳ vọng sẽ có vụ nuôi trúng mùa và nếu bán giá cao nữa thì càng tốt”.
Tuy được đánh giá là rất khả quan, nhưng theo ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ vẫn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đến từ thời tiết, dịch bệnh, giá cả và đặc biệt là quy định về truy xuất nguồn gốc từ các thị trường nhập khẩu tôm. Trước những khó khăn được dự báo trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo thành công của vụ tôm này, như: thúc đẩy các giải pháp giảm giá thành, nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số hộ nuôi, vùng nuôi… Đặc biệt, linh hoạt trong việc xây dựng khung lịch thời vụ thả nuôi nhằm xác định thời điểm thả nuôi thuận lợi nhất, giúp hạn chế rủi ro, thiệt hại.
Ở tỉnh Cà Mau, tình hình vụ mới diễn ra khá sôi động ngay từ những tháng đầu năm. Anh Nguyễn Xuân Diện ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Đến giờ này giá tôm vẫn ở mức cao là một tín hiệu vui cho người nuôi tôm. Đối với cá nhân tôi, sau những cải tiến về quy trình, trang thiết bị nuôi mang lại thành công trong năm 2019 cũng thấy tự tin hơn ở vụ nuôi mới này. Diễn biến vụ nuôi từ đầu năm đến nay cùng những dự báo của ngành chức năng cho thấy, năm nay tình hình nuôi cũng khá thuận lợi, nên bước vào vụ nuôi mới này, ai cũng kỳ vọng sẽ được trúng mùa, còn chuyện giá cả hy vọng cũng sẽ tốt hơn so với đầu năm 2019.
Hy vọng từ thị trường
Tuy có đôi chút lo lắng về tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường tôm thế giới, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng vẫn đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp vào vụ tôm năm 2020 này. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhận định: “Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở Trung Quốc, khiến việc xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tại các cửa khẩu biên giới gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, Trung Quốc mua tôm Việt Nam chủ yếu là tôm sú cỡ lớn, trong khithời điểm này tôm sú cỡ lớn hết vụ, sản lượng cuối mùa không đủ trả các hợp đồng các thị trường khác, nên cơ bản không ảnh hưởng việc tiêu thụ tôm trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, hiện nhiều nước đang ráo riết sản xuất vaccine, thuốc phòng trị dịch COVID-19, nên không bao lâu nữa, dịch bệnh này sẽ được khống chế vàmọi hoạt động xuất khẩu sớm trở lại bình thường”.
Sự tự tin và kỳ vọng thị trường không bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 của các doanh nghiệp được thể hiện rõ qua việc tôm nuôi vẫn được các doanh thu mua bình thường từ đầu năm đến nay với mức giá luôn cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: giá TTCT loại 100 con/kg có giá dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 124.000 - 135.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 155.000 - 165.000 đồng/kg… Ngoài ra, các doanh nghiệp của Sóc Trăng cũng đã thả nuôi vụ tôm mới hàng trăm ha với hầu hết nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao để chủ động một phần nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
>> Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến hết tuần đầu tháng 2, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 500 ha tôm nước lợ, chủ yếu là TTCT và phần lớn đều đang phát triển tốt. |
Theo: Thủy Sản Việt Nam