Kỹ sư công nghệ thông tin khởi nghiệp với cây thanh long

Thứ hai, 05/08/2019 - 02:57 PM      608

Chàng kỹ sư công nghệ thông tin Trần Viết Khanh, thôn 8, xã Xuân Du (Như Thanh) đã “bén duyên” với cây thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn và đào... Nhờ đó mà mỗi năm anh bỏ túi 500 triệu đồng.

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, với quyết tâm khởi nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Chàng kỹ sư công nghệ thông tin Trần Viết Khanh, thôn 8, xã Xuân Du (Như Thanh) đã “bén duyên” với cây thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn và đào... Nhờ đó mà mỗi năm anh bỏ túi 500 triệu đồng.

Lập nghiệp trên quê hương

Vườn cây ăn quả rộng lớn với những trụ thanh long khỏe khoắn, điểm tô những trái chín đỏ. Nhờ chủ nhân chăm sóc khoa học nên vườn thanh long ruột đỏ gối vụ liên tiếp. Quả hồng đào chưa thu hoạch xong thì những quả xanh, hoa trắng đã mọc xum xuê quanh trụ. “Những năm đầu bỏ phố về đây trồng cây ăn quả ai cũng bảo tôi khùng” – Khanh vừa cười, vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn.

Sinh năm 1987, trong một gia đình thuần nông, Trần Viết Khanh chăm chỉ học hành và thi đậu vào Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, khác với những người bạn cùng trang lứa tìm mọi cách bám trụ tại thành phố, Khanh quyết định trở về quê lập nghiệp bằng chính sức lao động của mình. “Là con nhà nông, tôi thấm được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, bà con lối xóm nhưng thành quả thu được không đáng là bao. Thế rồi, các nhà máy, khu công nghiệp mở ra, thanh niên đi làm ăn xa, cả làng chỉ còn người già, ruộng vườn bỏ bẵng. Tôi thấy trăn trở về điều này và muốn làm điều gì đó cho quê hương mình” - Khanh chia sẻ.

Ngày đêm trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để có thể thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương, Khanh tự tìm hiểu về các loại giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với vùng đồi núi. “Ngày mới về quê rất vất vả, loay hoay mãi không biết tìm hướng nào để thoát nghèo. Tình cờ một lần xem tivi, thấy bà con vùng đồi núi tỉnh Vĩnh Phúc trồng cây thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, cây lại chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc. Từ đó, hình ảnh loài cây nở hoa trắng muốt, quả chín nhuộm đỏ cả một góc đồi luôn ở trong đầu nên tôi tự nhủ sẽ quyết tâm đưa cây thanh long ruột đỏ về khu vườn của gia đình...” - Khanh tâm sự.

Ngày đó, quyết định của Khanh bị nhiều người cho là “liều” bởi anh dám bỏ một số tiền lớn đầu tư, cải tạo đất, trồng giống cây lạ chưa xuất hiện ở vùng này bao giờ. Nhớ lại thời điểm đầy khó khăn đó, bà Đỗ Thị Khởi, mẹ Khanh, nói trong xúc động: “Khi ấy tôi lo lắm. Thấy con ra trường, bỏ thành phố về quê trồng thanh long. Chi phí đầu tư cao mà loại cây này quá mới lạ, cứ sợ con lại ôm thêm nợ. Làm mẹ thì chỉ muốn con học hành để sau này sướng tấm thân, nhưng nói sao, nó cũng không nghe nên đành chiều con”.

Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ cùng kinh nghiệm có được sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu, Khanh biết rằng, ở Thanh Hóa mới chỉ có thị xã Bỉm Sơn đang trồng thí điểm thanh long ruột đỏ nên anh quyết định “khăn gói” ra Bỉm Sơn để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tham quan các mô hình, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin truyền thông, Khanh đã chọn giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (H14) do Viện Nghiên cứu rau quả miền Nam nghiên cứu. Bởi, theo anh đây là giống cho năng suất, chất lượng cao. Khanh kể: “Do đây là giống mới, chưa nắm vững kỹ thuật trồng nên tôi đã lên mạng internet, đọc báo, đến tận Trường Đại học Nông nghiệp I và vào tận miền Nam để tìm hiểu kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc cây thanh long...”.

Theo lời Khanh, trồng cây thanh long ruột đỏ tuy chi phí ban đầu cao hơn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch quanh năm. Tháng 3 năm trước đến tháng 10 năm sau là chính vụ của thanh long ruột đỏ nên cứ mỗi tháng cây ra 2 đợt hoa rồi đậu quả. Từ tháng 2 đến tháng 9 thì trái vụ nên phải chong điện để “ép” cây tiếp tục ra hoa đậu trái. Vì thế, nếu biết phương pháp, kỹ thuật gối vụ thì tháng nào cũng có thanh long để bán. Chưa kể, quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Thành quả từ đất

Trong năm đầu thử nghiệm, Khanh trồng 300 trụ thanh long ruột đỏ. Kiểm soát chất lượng từ đầu vào, chăm sóc kỹ cho từng khóm, 300 trụ thanh long của Khanh phát triển rất nhanh, dây mập. Sau 18 tháng xuống giống, vườn thanh long ruột đỏ Khanh mong đợi đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên đỏ au, ngọt lịm. Bình quân mỗi gốc cho 4-5 quả, trung bình mỗi quả nặng 0,35 kg. Vụ thu hoạch ấy, Khanh hái được trên 10 tấn quả, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, thu về hàng trăm triệu đồng. Khởi đầu thuận lợi, Khanh mạnh dạn đầu tư, phát triển vườn thanh long lên 1.600 trụ.

Vì là giống mới, trồng đầu tiên trên địa bàn huyện Như Thanh nên song song với việc mở rộng diện tích, Khanh cũng bắt đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Anh đã trực tiếp mang sản phẩm của vườn mình đến từng cửa hàng hoa quả, chợ đầu mối trong tỉnh chào hàng. Nhờ chất lượng quả ngon ngọt, giá cả phải chăng, giá trị dinh dưỡng gấp đôi so với thanh long ruột trắng nên các cửa hàng đã đồng ý thu mua. Anh chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào lập nghiệp, tôi cũng lo mình thất bại rồi tay trắng, hễ có cây con nào bị bệnh chết là mất ăn, mất ngủ. Thu hoạch tốt lại lo tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đầy tâm huyết của mình, chẳng biết bao giờ mới hết lo”.

Thấm thoắt đã 7 năm trôi qua, giờ đây mảnh đất gần 10 ha sặc sỡ sắc màu với 1,5 ha thanh long đang cho quả, 2,5 ha đào, 2 ha bưởi Diễn và nhiều cây ăn quả khác đang mùa thu hoạch... đưa về lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. Cắt những miếng thanh long đỏ mọng, ngọt mát mời chúng tôi, Khanh chia sẻ: “Là thanh niên thì không ngại khó, ngại khổ, những khó khăn ban đầu chỉ là trước mắt; nghị lực vượt khó của bản thân mới là lâu dài, tạo động lực để mình cố gắng hơn”.

Không chỉ chịu khó học hỏi phát triển kinh tế gia đình, Khanh còn đem những kiến thức và kinh nghiệm bản thân để giúp đỡ những thanh niên khác phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, khi vào mùa thu hoạch, Khanh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.

Thừa nhận cây thanh long ruột đỏ vẫn là cây “đáng trồng” với người nông dân, tuy nhiên, trăn trở của Khanh là làm sao Nhà nước có thể giúp nông dân kết nối được đầu ra ổn định cho sản phẩm và hỗ trợ quy trình canh tác sạch để nâng cao giá trị. Khanh bày tỏ: “Như vườn của tôi hiện vẫn đang ở trong tình trạng làm không đủ bán. Tuy nhiên chủ yếu vẫn bán ngang cho thương lái nên bấp bênh là điều không thể tránh khỏi. Do đó, tôi cũng chỉ mong sao Nhà nước kết nối để có được đầu ra ổn định và hỗ trợ để chúng tôi sản xuất theo quy trình nông nghiệp “sạch” từ khâu đầu vào, được giám sát và kiểm định chất lượng đồng bộ. Có như vậy mới tăng được giá trị cho trái thanh long nói riêng, sản phẩm nông nghiệp nói chung.

Hy vọng rằng, với quyết tâm làm giàu, sự tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của anh Khanh nói riêng và thanh niên huyện Như Thanh nói chung, thương hiệu thanh long ruột đỏ Như Thanh ngày càng phát triển, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, làm giàu trên chính quê hương cho người dân nơi đây.
Theo:"moitruongvadothi"

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều