Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Tạo tiền đề hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Thứ ba, 22/10/2019 - 09:42 PM      504

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Với địa thế là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta, đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận tại phiên làm việc chiều 22/10 của Kỳ họp.

 
Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Nguyễn Phương Hoa - TTXVN
 
Góp phần thực hiện chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển

Đảng, Nhà nước ta đã ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.Nhờ vậy, khu vực này đã đạt được kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, hạ tầng cơ sở như đường giao thông, đường điện, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi… được đầu tư đồng bộ; phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường. Khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc.

Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường bất thường… rất khó khăn thu hút đầu tư. Chính sách dân tộc nhiều đầu mối quản lý, trách nhiệm không rõ ràng, nguồn lực vừa thiếu, vừa phân tán, dàn trải nên chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Tình hình đó dẫn đến thực trạng hiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với cả nước; chưa giải quyết được tình trạng di cư tự phát. Một bộ phận hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được hỗ trợ kịp thời. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt còn cao. Mức độ tiếp cận các dịch vụ y tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Bản sắc văn hóa tốt đẹp của nhiều dân tộc đang bị mai một. Cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong cơ quan nhà nước các cấp chưa đạt được tỷ lệ theo quy định. Một số hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn bán người qua biên giới... diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự.

Do đó, việc xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” là rất cần thiết, qua đó nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc; góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để xây dựng Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, có 21 thành viên gồm đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng ban. Dự thảo Đề án gồm 6 phần, trong đó có nội dung khái quát về thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hướng tới đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững

Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, trong đó xác định: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển được thực hiện song song với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn thực hiện các chính sách; đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước, đa dạng sinh học; đặc biệt là bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, nguồn lực nhà nước là chủ yếu, quan trọng và có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực khác.

Mục tiêu của Đề án được xác định nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa. Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Theo đó, một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 có thể kể đến như: Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%. Tất cả các xã có đường ô tô đến trung tâm, theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm được sắp xếp ổn định. 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm được hỗ trợ so với cuối năm 2020…

Dự kiến nếu được phê duyệt, phạm vi thực hiện Đề án sẽ gồm các địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (không bao gồm xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) giai đoạn 2021 - 2030. Đối tượng điều chỉnh là các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; các hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện Đề án có hiệu quả, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021- 2030; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Chính phủ cũng xác định, cần tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ để phục vụ công tác quản lý; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; huy động mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Việc điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là hỗ trợ đảm bảo ăn, ở của học sinh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em sẽ được ban hành; đồng thời nghiên cứu cơ chế, mở rộng đối tượng vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết một số vấn đề về thành phần, tên gọi dân tộc, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký kết hôn, khai sinh cho con mới sinh đối với các hộ di cư tự phát…

Kinh phí thực hiện Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia được tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Kinh phí đảm bảo các chính sách đặc thù cho con người, đảm bảo an sinh xã hội do Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội theo Luật Ngân sách nhà nước. Dự toán ngân sách ở các cấp được ghi thành dòng ngân sách riêng để thực hiện chính sách dân tộc.
Theo: Báo Dân Tộc Và Miền Núi
Tags:
Ý kiến của bạn