Nguyên nhân
Những năm gần đây, tỷ lệ thức ăn thủy sản bị nhiễm Mycotoxin rất lớn, đặc biệt ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam. Theo một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, mức độ nhiễm độc tố Aflatoxin và Deoxynivalenol (DON) ở Đông Nam Á cao hơn Bắc Á, trái ngược với trước đây. Trong đó, Fumonisin (FUM) là độc tố Mycotoxin cao nhất trong khu vực với 64% các mẫu phân tích ở mức trung bình 1.688 ppb. Aflatoxin, Zearelenone (ZON), Ochratoxin A (OTA) và Deoxynivalenol (DON) lần lượt xuất hiện với tỷ lệ 55%, 44%, 33% và 30% ở các mẫu.
Nguyên liệu bị nhiễm độc tố ở nhiều giai đoạn và tích lũy thành một quá trình liên tục, bắt đầu từ khu vực đồng ruộng và tăng dần trong suốt thời kỳ thu hoạch, sấy khô và bảo quản. Ở điều kiện nhiệt đới và cận nhiệt đới, nguy cơ nhiễm Mycotoxin càng cao vì thức ăn và ngũ cốc được bảo quản dưới điều kiện ẩm và nóng rất dễ nhiễm nấm mốc.
Cách nhận biết
Trong quá trình nuôi, nếu quan sát thấy thủy sản có tốc độ tăng trưởng giảm, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) cao hơn thông thường; đồng thời chi phí bổ sung các chất phụ gia thức ăn nhiều nhưng không cho kết quả tốt thì có thể thức ăn đã bị nhiễm độc tố nấm mốc. Theo lời khuyên của các chuyên gia, để biết chính xác sự hiện diện của độc tố nấm mốc, các nhà sản xuất nên lấy một mẫu thức ăn của mình để tiến hành kiểm tra và phân tích.
Tác động
Do bản chất nấm mốc có cấu trúc rất đa đạng nên những tác động của chúng đến thủy sản nuôi cũng khá nhiều, từ việc giảm hiệu quả sản xuất đến tăng tỷ lệ chết. Tuy nhiên, các triệu chứng thường không cụ thể nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán khó chính xác. Thông thường, các biểu hiện điển hình khi thủy sản bị nhiễm độc tố chủ yếu là thay đổi trên gan như: teo và thoái hóa nghiêm trọng mô gan tụy, viêm và tiếp xúc lỏng lẻo của mô tạo máu và cơ quan bạch huyết trên tôm. Thủy sản tăng trưởng chậm, FCR cao, giảm khả năng miễn dịch và cùng đó là hiệu suất quá trình nuôi giảm.
Ảnh hưởng của độc tố nấm mốc
Kiểm soát
Độc tố nấm mốc khá đa dạng, gồm nhiều loại khác nhau; hơn nữa, các loại độc tố này lại không giống nhau bởi chúng có cấu trúc hóa học khác nhau, tính chất vật lý cũng khác nhau. Vì vậy, cần phải có một cách tiếp cận đa chiến lược, gồm nhiều giải pháp mới có thể ngăn chặn được sự phát triển của độc tố nấm mốc.
Trước tiên, cần lựa chọn nguyên liệu thô cẩn thận, thực hiện tốt quá trình thu hoạch và bảo quản. Kho bảo quản phải đảm bảo các yêu cầu: thoáng mát, tránh được tác động trực tiếp từ bên ngoài như mưa, nắng, bụi…; có các kệ kê các thành phẩm tránh hiện tượng tiếp xúc trực tiếp với mặt đất.
Bao thức ăn phải để cao cách mặt nền và cách vách khoảng 30 - 40 cm. Ngăn chặn chuột, kiến, mọt, mối, gián… vào nơi trữ thức ăn. Cần chú ý những bao thức ăn bị rách (vì khả năng nhiễm nấm mốc sẽ cao). Không để những bao chứa thức ăn cũ (bao không) chung với nơi trữ thức ăn (vì rất dễ nhiễm nấm mốc từ bao không sang bao có thức ăn).
Trong quá trình nuôi, cần ghi chép đầy đủ các thông tin về các chỉ tiêu môi trường (ví dụ: độ mặn, nhiệt độ, hợp chất, ôxy, mưa) và quản lý thức ăn (ví dụ: lượng ăn vào, kiểm tra túi thức ăn, nguyên liệu, hạn dùng, ngày dùng đầu và nhiệt độ lưu kho và độ ẩm). Lấy mẫu thường xuyên để đánh giá năng suất tăng trưởng; đảm bảo rằng các mẫu hầu như đều được lưu kho và cập nhật để giảm thời gian phản ứng với các vấn đề tiềm ẩn.
Áp dụng các biện pháp loại bỏ độc tố như sử dụng dung môi. Các dung môi được dùng nhiều nhất là axeton, benzen, cloroforms. Hoặc có thể khử độc tố trong cơ thể động vật bằng cách gắn chúng với các chất hấp phụ. Nhờ đó mà chúng sẽ không được hấp thu vào máu và không còn gây độc cho cơ thể thủy sản. Một số chất hấp phụ hay dùng như các chất khoáng sét (Clay minerals), than hoạt tính…
Theo: Thủy Sản Việt Nam