Cá chẽm (Latescalcarifer Bloch, 1790) là loài cá có giá trị kinh tế quan trọng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á – Thái Bình Dương. Với đặc tính dễ nuôi và thời gian sinh trưởng ngắn và có kích cỡ tương đối lớn, trọng lượng có thể đạt 7 - 8 kg/con, thịt trắng, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ khá ổn định nên loài này được nuôi ở nhiều nước khác nhau trên thế giới như Malaysia, Australia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… Một số nơi còn áp dụng nuôi cá để giảm ô nhiễm môi trường.
Ở Việt Nam, quy trình sản xuất giống nhân tạo thành công đầu tiên tại Nha Trang và có thể cung cấp giống cho thị trường với số lượng lớn và chất lượng con giống tốt. Hiện nay, cá chẽm được nuôi dọc theo bờ biển các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam bộ và quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, nuôi thâm canh với mật độ cao, trong chu trình khép kín đã dẫn đến chất lượng nước bị suy giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát điển hình là bệnh do ký sinh trùng, vi khuẩn, và điển hình là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như photobacteriosis gây ra bởi Photobacterium damselae (Phdp). Vi khuẩn này được biết là gây ra nhiễm trùng máu cấp tính ở giai đoạn ấu trùng hoặc gây xuất huyết lở loét ở giai đoạn cá lớn, tỉ lệ chết cao và gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người nuôi.
Để giải quyết vấn đề này, biện pháp phòng ngừa bằng cách bổ sung chất kích thích miễn dịch và chống oxy hóa được lựa chọn thay thế cho vắc-xin sẽ giảm thiểu chi phí cho quá trình nuôi. Do đó, rong câu như Gracilaria sp là lựa chọn tối ưu bởi đặc tính chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của chúng.
Các polysacarit của rong biển đã được chứng minh là có khả năng kích thích miễn dịch không đặc hiệu và ức chế hoạt động của vi khuẩn. Những carbohydrate này cũng điều chỉnh tích cực sức khỏe đường ruột và tăng cường khả năng tiêu hóa của cá.
Do đó nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của rong đỏ Gracilaria sp. đến tỷ lệ sống, các thông số miễn dịch và chống oxy hóa của cá chẽm.
Bố trí thí nghiệm
Cá có trọng lượng ban đầu: 11,95 ± 0,34 g và được bố trí trong tám bể tròn có dung tích 80 L với 30 con mỗi bể. Bốn bể được cho ăn với chế độ ăn kiểm soát và bốn bể với chế độ ăn có bổ sung 5% với Gracilaria sp. Sau thời gian cho ăn 80 ngày này, tất cả cá từ 2 bể sẽ được cảm nhiễm với Phdp.
Rong biển được sấy khô và xử lý nhiệt, sử dụng nước nóng ở 83° C ngâm trong 160 phút. Sau khi lọc, sản phẩm được rửa, khử nước và sấy khô ở 60° C sau đó bảo quản lạnh để dùng cho thí nghiệm.
Kết quả
Cá chẽm được cho ăn chế độ ăn bổ sung GRA cho thấy khả năng sống sót tốt hơn so với nhóm đối chứng. Ở nghiệm thức đối chứng, cá đã chết trong ngày đầu tiên sau khi tiếp xúc với mầm bệnh trong khi cá ở các nghiệm thức bổ sung GRA phải mất ba ngày sau mới có triệu chứng và chết.
Sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn, kết quả cho thấy tỉ lệ chết ở các nghiệm thức bổ sung dịch chiết rong câu đều thấp hơn so với đối chứng. Đồng thời, hoạt động của lysozyme tăng lên, cũng như giảm peroxid hóa lipid, cho thấy khả năng chống oxy hóa cao hơn so với cá được cho ăn chế độ ăn kiểm soát.
Theo:tepbac.com