Hội chứng hoại tử gan tụy cấp trên tôm nước lợ

Thứ bảy, 26/10/2019 - 03:43 PM      1641

Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nước lợ là một trong những bệnh nguy hiểm khiến tôm chết hàng loạt và nhanh chóng. Bài viết giới thiệu các đặc điểm bệnh và biện pháp phòng trị nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

Lịch sử xuất hiện

Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepato-Pancreatic Necrosis Disease - AHPND) còn gọi là Hội chứng chết sớm (Early Mortality Syndrome - EMS), được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc năm 2009, nhưng đến 2010 mới được báo cáo xuất hiện ở Việt Nam. Đầu năm 2011, dịch bệnh này xuất hiện rất nghiêm trọng, tỷ lệ chết lên tới 80% ở các vùng nuôi thuộc tỉnh Hải Nam, Guangdong, Fujian và Guangxi Trung Quốc (Leano và Mohan, 2012). Sau đó, nhiều tác giả đã nghiên cứu về AHPND và báo cáo về sự xuất hiện của dịch bệnh này ở Việt Nam (2010), Malaysia (2011), Thái Lan (2012) và Philippines (2013). Thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do dịch bệnh AHPND ở các quốc gia châu Á được ước tính là 1 tỷ USD (FAO, 2013).

Chẩn đoán

Tác nhân gây bệnh: Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã công bố tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm là dòng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang gen độc. Một số tác giả còn cho rằng một số chủng vi khuẩn thuộc các loài Vibrio khác như V. harveyi, V. campbellii và V. owensii cũng mang gen gây bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Lây truyền bệnh: Tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường miệng và xâm chiếm đường tiêu hóa của tôm, sau đó tạo ra độc tố gây hoại tử mô, rối loạn chức năng của cơ quan tiêu hóa và gan tụy của tôm.

Dấu hiệu bệnh lý: Dấu hiệu lâm sàng bao gồm dạ dày và gan tụy nhợt nhạt đến trắng, teo gan, mềm vỏ, ruột không liên tục hoặc rỗng, xuất hiện các đốm đen hoặc vệt đen có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong gan tụy. Ngoài ra, gan tụy dai, dùng 2 ngón tay bóp thì khó bẹp do sợi mô liên kết và tế bào máu tăng mạnh. Trong thí nghiệm gây nhiễm nhân tạo, biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể quan sát sau 3 - 6 tiếng, tôm chết sau 6 tiếng gây bệnh với mật độ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus khoảng 106 tế bào/ml.

AHPND có thể khiến tôm chết hàng loạt và nhanh chóng - Ảnh: ST

Dịch tễ

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), những yếu tố rủi ro quan trọng đối với sự lây lan quốc tế của hội chứng AHPND bao gồm: Sự di chuyển của tôm sống từ một khu vực địa lý nơi AHPND phổ biến, đến một khu vực không bị ảnh hưởng để sinh sản, hoặc nuôi; Việc nhập khẩu động vật sống (polychaetes, nhuyễn thể) làm thức ăn cho tôm bố mẹ; Các yếu tố môi trường như nồng độ chất dinh dưỡng cao trong nước ao do bón phân, dùng rỉ mật đường, nhiệt độ nước cao và độ mặn thấp, ít hoặc không trao đổi nước, tích tụ trầm tích giàu hữu cơ do thức ăn thừa và phân tôm trong ao.

Biện pháp kiểm soát

Sử dụng thảo dược để phòng bệnh:  Năm 2016, Kumar và cs. đã sử dụng chất chiết từ 10 loại thảo dược là Lavandula latifolia, Pinus sylvestris, Jasminum officinale, Citrus limon, Prunus avium, Violaodorata, Gardenia jasminoides, Cocos nucifera, Rosa damascene và Eucalyptus globulus để sản xuất 1 loại dầu trộn với thức ăn có tác dụng diệt Vibrio parahemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp. Thử nghiệm của nhóm nghiên cứu như sau: nuôi tôm giống trong bể đạt kích thước khoảng 0,8 - 1 g/con, kiểm tra không mang mầm bệnh virus, gây nhiễm nhân tạo bằng cách ngâm tôm trong nước chứa vi khuẩn Vibrio parahemolyticus gây bệnh AHPND, quan sát dấu hiệu bệnh và xét nghiệm bệnh bằng phương pháp Real time PCR hàng ngày, sau 10 ngày tỷ lệ chết của lô đối chứng dương (không cho ăn chất chiết thảo dược) là 95%, lô đối chứng âm (không gây bệnh thực nghiệm) là 0%, lô sử dụng thảo dược là 46,7%. Như vậy có nghĩa là khi tôm đã nhiễm AHPND nếu sử dụng thảo dược này có thể sống được trên 50%.

Sử dụng vaccine: Năm 2016, Hirono và cs. thử nghiệm vaccine tế bào vô hoạt bằng formaline (Formalin-killed cell vaccine) cho thấy, đối với tôm cỡ 5 - 7 g có khả năng sinh kháng thể với chủng Vibrio parahemolyticus gây bệnh AHPND còn tôm cỡ 0,8 g thì không có khả năng này.

Sử dụng chế phẩm sinh học: Năm 2018, Pinoargote và Ravishankar (2018) sử dụng sản phẩm chế phẩm sinh học gồm các loài vi sinh là Lactobacillus casei, Saccharomyces cerevisiae, và Rhodopseudomonas palustris cho thấy có khả năng ức chế Vibrio parahemolyticus gây bệnh AHPND sau 48 giờ.

Dùng hệ sợi nấm Pycnoporus sanguineus: Năm 2018, Trần Minh Long và Phạm Thị Hoa bước đầu đánh giá việc sử dụng hệ sợi nấm Pycnoporus sanguineus trong hệ thống nuôi tôm có khả năng loại bỏ 99% vi khuẩn V. parahaemolyticus, tuy nhiên tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng còn thấp sau thí nghiệm (khoảng 65%).

Quản lý tốt ao nuôi: Biện pháp quản lý tốt ao nuôi là hết sức cần thiết để phòng bệnh AHPND. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO, 2016) đã khuyến cáo người nuôi cần đảm bảo an toàn sinh học và thực hành nuôi tôm tốt (BMPs), cụ thể như sau:

- Lựa chọn tôm bố mẹ không mang mầm bệnh AHPND;

- Sử dụng thức ăn hợp lý, không cho ăn quá nhiều thức ăn, không để thức ăn dư thừa trong ao nuôi;

- Xi phông thức ăn thừa và phân tôm ở đáy ao;

- Vệ sinh dụng cụ, thiết bị sử dụng trong từng ao nuôi;

- Sử dụng thức ăn tươi phải được vệ sinh, đảm bảo không nhiễm mầm bệnh;

- Thiết kế trang trại và ao nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học (sử dụng ao có diện tích nhỏ hơn, lót bạt bờ và đáy ao, thiết kế hệ thống xi phông đáy ao);

- Tăng diện tích ao chứa nước và thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu diệt động vật mang mầm bệnh ở ao chứa nước;

- Không sử dụng liều Chlorine quá cao để xử lý nước trước khi nuôi;

- Không thả tôm với mật độ quá cao vào giai đoạn nhiệt độ cao; gièo (ương) tôm ở ao nhỏ trước khi thả ra ao nuôi thương phẩm;

- Dùng chế phẩm sinh học để chuẩn bị nước trước khi bơm vào ao nuôi;

- Kiểm soát các yếu tố môi trường và mầm bệnh định kỳ.
Theo:contom.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều
Bón vôi ngày mưa đúng cách cho ao nuôi tôm
Thứ ba, 10/09/2024 - 08:14 AM
85
Quản lý yếu tố môi trường trong ao nuôi
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:15 AM
56