Giải pháp nâng cao chất lượng cá giống

Thứ bảy, 07/09/2019 - 03:07 PM      555

Giống là yếu tố rất quan trọng quyết định đến chất lượng, năng suất, sản lượng thủy sản nuôi. Vì thế, việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng cá giống là rất cần thiết.

Quan tâm chất lượng cá bố mẹ

Tuổi: Mỗi loài cho trứng và cá con chất lượng cao ở một độ tuổi nhất định, như cá trắm cỏ ở giai đoạn 4 - 7 tuổi, mè trắng 3 - 6 tuổi, rô phi 1 - 2 tuổi. Cỡ cá bố mẹ cũng ảnh hưởng đến sức sinh sản và kích cỡ trứng. Những cá thể được chọn để nuôi vỗ phải có khối lượng tương đương hoặc lớn hơn khối lượng thành thục trung bình của loài. Không nên chọn những cá thể có khối lượng quá nhỏ hoặc quá lớn. 

Tái phát dục: Nhiều loài cá nuôi trong điều kiện sinh sản nhân tạo có khả năng đẻ nhiều lần trong năm. Sau lần đẻ đầu tiên, các lần đẻ sau được gọi là sinh sản tái phát (lần 1, lần 2...). Tuy nhiên cá đẻ nhiều lần không tốt, các lần đẻ sau thường chất lượng sinh sản thấp như sức sinh sản giảm, đường kính trứng giảm, cá bột không đều và nhỏ. Tốt nhất chỉ nên cho đẻ tái phát 1 lần và cách lần đẻ thứ nhất một thời gian cần thiết, ví dụ với cá mè, trắm cần khoảng 36 - 45 ngày.

Ngoại hình: Những cá được chọn làm cá bố mẹ phải có ngoại hình cân đối, vây, vẩy đầy đủ, không xây xát, không có mầm bệnh và nhất là phải đủ tuổi.

Nguồn gốc: Nguồn cá bố mẹ có thể thu gom ngoài tự nhiên sau đó tuyển chọn lại và những cá đã đẻ tốt ở các năm trước nên giữ lại. Hàng năm phải bổ sung đàn cá bố mẹ. Mỗi cơ sở sản xuất cá giống cần có đàn cá bố mẹ có xuất xứ khác nhau về địa lý để tránh hiện tượng suy thoái cận huyết trong quá trình lai tạo và sản xuất cá.

Chăm sóc: Thức ăn thích hợp của loài có ý nghĩa rất lớn tới sự thành thục của cá. Ở giai đoạn nuôi vỗ tích cực, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein cao (> 30%) đối với những loài cá có tính ăn thiên về động vật như cá tra, cá trê, chép… Lượng thức ăn tinh chiếm khoảng 3 - 5% khối lượng thân. Ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát. Trong giai đoạn nuôi vỗ thành thục, cần tạo mọi điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng đã tích lũy trong thời kỳ nuôi vỗ tích cực thành các chất dinh dưỡng của trứng. Lượng thức ăn giảm dần có thể còn 1 - 2% vào cuối thời kỳ nuôi vỗ thành thục; trong đó, giảm lượng carbohydrate và tăng protein trong thức ăn. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các loại Vitamin A,D,E hoặc khoáng vi lượng. 

 Sử dụng kích dục tố

Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có số lần tiêm kích dục tố cho cá khác nhau. Nhưng biện pháp tiêm nhiều lần với liều lượng thấp phù hợp với từng giai đoạn thành thục của tế bào trứng được coi là nguyên tắc chung khi kích thích cá sinh sản. KDT được dùng trong sinh sản nhân tạo cá phổ biến hiện này là dịch chiết từ tuyến yên cá và HCG (Human Chorionic Gonadotropin). Ngoài ra, còn có một số loại KDT khác như LRHa, Proland B… Trong đó, HCG là hoạt chất được dùng phổ biến nhất do sự phong phú về nguồn và sự ổn định của hoạt tính.

 Ấp trứng

 Do mức độ trương nước đồng thời cũng do đặc điểm khác nhau của trứng cá khi tiếp xúc với môi trường nước cho nên có thể dùng nhiều phương pháp cũng như dụng cụ khác nhau để ấp trứng.

 Đối với trứng bán trôi nổi (trứng cá mè vinh, cá he, mè trắng, nhóm cá Ấn Độ...): Đặc điểm của loại trứng này là sẽ trương nước và tăng kích thước gấp 2 - 3 lần so với kích thước ban đầu. Tỷ trọng của trứng sau khi kết thúc trương nước xấp xỉ với tỷ trọng của nước. Vì vậy, trứng sẽ lắng xuống đáy ở môi trường nước tĩnh và lơ lửng khi có một tác động nào đó như có nước chảy, sục khí. Hiện nay, các trại sản xuất giống thường dùng bình Weys và bể vòng để ấp trứng bán trôi nổi. 

Ấp trứng dính (cá trê, cá chép, cá tra, cá ba sa): Do đặc tính của những loại trứng này xuất hiện tính dính khi tiếp xúc với nước cho nên tuỳ điều kiện cụ thể mà có phương pháp ấp khác nhau như: Cho trứng dính vào  giá  thể (rễ lục bình,  xơ dừa, xơ cau,  dây  nilon) hoặc ấp trứng sau khi đã khử dính (sử dụng bình Weys hoặc bể vòng).

 Đảm bảo quy trình nuôi

Nên thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả cá ra ao cần ngâm túi cá trong nước ao 10 - 15 phút để nhiệt độ nước ngoài ao và trong bao chứa cá cân bằng, sau đó mới mở miệng bao và thả cá từ từ ra ao.

Mật độ thả tùy theo diện tích ao và loài cá. Những ao có diện tích lớn, chất lượng nước tốt có thể thả mật độ cao hơn. Hiện, một số cơ sở ương nuôi cá giống ở ĐBSCL thường ương với mật độ như sau: Mè vinh, cá he: 400 - 500 con/m2, cá chép: 150 - 200 con/m2, cá trôi Ấn Độ: 200 - 250 con/m2, cá trê: 300 - 400 con/m2, cá tra: 800 - 1.000 con/m2.

Trong quá trình ương nuôi nên định kỳ bón phân (hữu cơ, vô cơ) để duy trì nguồn thức ăn tự nhiên trong ao, đặc biệt là động vật phù du. Cùng đó, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh (bột cá, bột đậu nành) với liều lượng 300 - 400 g/100 m2. Tuy nhiên, cần theo dõi hoạt động của cá và màu nước ao để điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp. 
Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102
Quản lý yếu tố môi trường trong ao nuôi
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:15 AM
131
Bón vôi ngày mưa đúng cách cho ao nuôi tôm
Thứ ba, 10/09/2024 - 08:14 AM
142
Tin xem nhiều
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102