Giải pháp giảm thiệt hại trong nuôi ngao

Thứ năm, 19/12/2019 - 09:19 PM      533

Kết quả theo dõi, thống kê về hiện tượng ngao chết hàng loạt từ năm 2013 đến nay ở các tỉnh miền Bắc từ Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc - Viện Nghiên cứu NTTS I (RIA1) cho thấy, thời gian xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt có sự trùng lặp giữa các năm (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau), tuy nhiên nguyên nhân của hiện tượng này ở các địa phương và các năm khác nhau.

Điển hình ở năm 2013, ngao chết do sương muối, giao mùa, độ mặn cao tại Thái Bình và Nam Định; năm 2016 do rét đậm kéo dài dẫn đến ngao chết hàng loạt tại Hà Tĩnh; năm 2019 ngao nuôi có hiện tượng chết hàng loạt với nguyên nhân do mật độ thả dày tại Thanh Hóa và Thái Bình, tại Thanh Hóa ghi nhận được mật độ thả nuôi 2.500 - 3.000 con/m2, có điểm 5.000 con/m2, trong khi đó ở Thái Bình có mật độ nuôi dày (> 1.000 con/m2 với ngao kích thước 110 con/kg và 5.000 - 6.000 con/m2 với ngao cúc); kết hợp với điều kiện thời tiết bất lợi (hiện tượng sương muối, độ mặn cao, thời gian phơi bãi dài) đã gây hiện tượng ngao chết hàng loạt. Cũng năm 2019, ngao nuôi tại Ninh Bình chết nhiều do sâu biển (Chloeia sp); nguyên nhân do tại thời điểm này điều kiện vùng ven bờ nuôi ngao tại Ninh Bình có nhiều mùn bã hữu cơ, đồng thời nước có độ mặn cao, thuận lợi cho Chloeia sp phát triển nhanh, bùng phát với số lượng lớn, gây hại đến ngao nuôi.

Trước tình hình đó, để giảm thiểu thiệt hại do sự xuất hiện ngao nuôi chết hàng loạt, các hộ nuôi cần áp dụng một số giải pháp kỹ thuật, đồng thời kết hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật, cơ quan ban ngành có liên quan thực hiện một số nội dung sau:

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống khi thả nuôi, đồng thời trong quá trình nuôi thực hiện giám sát thu mẫu định kỳ để đánh giá môi trường và mầm bệnh theo kế hoạch của địa phương, nhằm sớm xác định yếu tố nguy cơ từ đó đưa ra cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các hộ nuôi tuân thủ mật độ thả ngao theo khuyến cáo số 1563/TCTS-NTTS của Tổng cục Thủy sản ban hành ngày 8/5/2018; cụ thể duy trì mật độ thả 180 - 200 con/m2, cỡ giống thả nuôi 400 - 600 con/kg, dưới 250 con/m2 đối với cỡ nuôi từ 500 - 800 con/kg, 250 - 350 con/m2 đối với cỡ giống từ 800 - 2.000 con/kg.

San phẳng mặt bãi ngao nuôi, hạn chế để xuất hiện các vũng nước đọng lại ở bãi ngao, tránh hiện tượng đọng nước cục bộ gây ảnh hưởng ngao khi có thời gian phơi bãi dài.Kiểm tra bãi nuôi thường xuyên, vệ sinh bãi nuôi, giảm thiểu mùn bã hữu cơ để ngăn ngừa sự phát triển địch hại (như sâu biển...). Vệ sinh lưới vây để tạo sự thông thoáng lưu thông nước tốt khi triều lên xuống.

Tuyên truyền vận động các hộ nuôi và người dân sống xung quanh vệ sinh môi trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Khi ngao ở bãi nuôi có hiện tượng bất thường, hộ nuôi phải thông báo ngay cho cán bộ quản lý của địa phương hoặc ban ngành có liên quan để xác định sớm nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp, kịp thời.
Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102
Quản lý yếu tố môi trường trong ao nuôi
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:15 AM
131
Bón vôi ngày mưa đúng cách cho ao nuôi tôm
Thứ ba, 10/09/2024 - 08:14 AM
142
Tin xem nhiều
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102