Hầu hết các vấn đề hiện đang đối mặt với ngành nuôi tôm có liên quan đến sự xuất hiện rộng rãi của bệnh, ví dụ: nhiễm vi khuẩn, virus hay bệnh do ký sinh trùng. Những vấn đề bệnh tật này có thể dẫn đến tổn thất nặng nề cho ngành công nghiệp và do đó, ngành tôm đã tập trung phần lớn sự chú ý để đối phó với các mối đe dọa như vậy. Tuy nhiên, có những mối đe dọa tiềm tàng khác như các bệnh do môi trường nuôi và thức ăn cũng có thể ảnh hưởng lớn đến sự thành công của nuôi tôm. Trong đó là sự hiện diện của mycotoxin độc tố nấm mốc trong thức ăn của tôm.
Tác hại của độc tố nấm mốc trên tôm nuôi
Ô nhiễm thức ăn cho các loài thủy sản khá phổ biến ở các vùng nhiệt đới ẩm, như các nước Đông Nam Á. Vấn đề có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như chất lượng thấp của thành phần thức ăn và phương pháp bảo quản thức ăn không phù hợp.
Mycotoxin là sản phẩm của sự chuyển hóa thứ cấp trong quá trình phát triển của mỗi loài hoặc mỗi chủng nấm mốc nhất định, thường được gọi là độc tố nấm mốc. Các độc tố nấm mốc này phát triển trên các sản phẩm nông nghiệp cả trước, sau khi thu hoạch và cả trong quá trình vận chuyển hay bảo quản sản phẩm.
Theo xu hướng và nhu cầu kinh tế protein thực vật được sử dụng để thay thế protein có nguồn gốc động vật như bột cá, làm gia tăng tác động của ô nhiễm độc tố mycotoxin trong thức ăn nuôi trồng thủy sản.
Hầu hết các độc tố nấm mốc có khả năng làm giảm sự tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của tôm khi tiêu thụ thức ăn bị ô nhiễm các loại độc tố nấm Aspergillus, Penicillium và Fusarium sp. (CAST, 2003). Các chất độc hại này được biết là chất gây ung thư (ví dụ: aflatoxin B1, ochratoxin A, fumonisin B1), estrogenic (zearalenone), gây độc thần kinh (fumonisin B1), gây độc thận (ochratoxin), dermatotoxic (trichothecenes) hoặc ức chế miễn dịch (aflatoxin B1, ochratoxin A và T-2 toxin).
Mặc dù thông tin còn hạn chế, một số nghiên cứu đã được thực hiện về độc tính của mycotoxin đối với động vật không xương sống dưới nước.
Ảnh hưởng của độc tính AFB1
Những nghiên cứu này, đã tập trung chủ yếu vào aflatoxin B1 (AFB1) có trong chế độ ăn đến hiệu suất tăng trưởng, tỉ lệ chuyển đổi thức ăn, hệ số tiêu hóa và những rối loạn sinh lý và thay đổi mô học, đặc biệt là trên mô gan.
Theo Bintvihok et al. (2003)) mức AFB1 dưới 20 ppb (20µg/kg) có thể đã làm giảm tăng trọng và tăng nhẹ tỷ lệ tử vong, chỉ sau 10 ngày. Kết quả mô bệnh học chỉ ra tổn thương gan do AFB1 với những thay đổi sinh hóa trong máu tôm (Bintvihok et al., 2003). Những phát hiện tương tự đã được báo cáo bởi Bautista và cộng sự, (1994) đã quan sát những thay đổi mô bệnh học ở gan tụy của tôm ở mức 25 ppb AFB1. Những ảnh hưởng này đã trở nên trầm trọng hơn khi tăng nồng độ độc tố.
Tăng trưởng của tôm giảm khi nồng độ AFB1 được tăng lên 500 - 2500 ppb. Tỷ lệ sống giảm xuống 26,32% khi đưa 2500 ppb AFB1 vào thức ăn.
Có sự thay đổi mô học rõ rệt ở gan tụy của chế độ ăn cho tôm có chứa AFB1 ở nồng độ 100 - 2500 ppb trong 8 tuần, với sự teo gan, sau đó là hoại tử tế bào biểu mô ống. Thoái hóa nghiêm trọng của ống gan tụy là phổ biến ở tôm được cho ăn nồng độ cao AFB1 (Boonyaratpalin et al., 2001). Các mô gan và tuyến anten bất thường cũng được báo cáo bởi Ostrowski-Meissner và cộng sự, 1995 ở tôm cho ăn 50 ppb AFB1 / kg chỉ sau 2 tuần. Hiệu quả chuyển đổi thức ăn bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng chỉ ở mức AFB1 là 400 ppb. Các hệ số tiêu hóa đã giảm đáng kể ở AFB1 900 ppb (Ostrowski-Meissner, et al., 1995).
Theo Burgos-Hernadez et al. (2005), ảnh hưởng của độc tính AFB1 đối với tôm dẫn đến việc điều chỉnh các quá trình tiêu hóa và sự phát triển bất thường của gan tụy do tiếp xúc với độc tố nấm mốc. Những kết quả này cho thấy ô nhiễm AFB1 trong thức ăn tôm có thể gây thiệt hại kinh tế bằng cách giảm sản lượng tôm.
Các loại độc tố gây hại khác trên tôm
Thông tin về tác động của các loại độc tố gây hại khác có thể có trên tôm và các loài giáp xác khác là khan hiếm. Chỉ có một vài nghiên cứu đã được thực hiện để tiếp cận tác dụng của deoxynivalenol (DON), ochratoxin A (OTA), zearelenone (ZON) và T-2 trong tôm.
Deoxynivalenol, còn được gọi là vomitoxin, và trichothecenes loại B khác được sản xuất bởi nấm Fusarium sp. và có thể là một chất gây ô nhiễm quan trọng của lúa mì. Nồng độ Deoxynivalenol 200, 500 và 1000 ppb trong chế độ ăn làm giảm đáng kể trọng lượng và tốc độ tăng trưởng ở tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei (Trigo-Stockli et al., 2000).
Supamattaya et al. (2006) báo cáo rằng sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng đã giảm đáng kể bởi độc tố T-2 ở mức 0,1 ppm trong khi đối với tôm sú giảm sự tăng trưởng được quan sát thấy ở mức 2,0 ppm.
Sự hiện diện của độc tố T-2 ở mức 1,0-2 ppm tạo ra những thay đổi teo và thoái hóa nghiêm trọng của mô gan tụy, viêm và tiếp xúc lỏng lẻo của mô tạo máu và cơ quan bạch huyết trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng sau khi cho ăn 10 tuần và 8 tuần tương ứng. Bệnh lý tương tự đã được tìm thấy ở tôm cho ăn độc tố zearalenone 1,0 ppm (Supamattaya et al., 2006).
Nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng chế độ ăn bị nhiễm độc tố mycotoxin sẽ ức chế hệ thống miễn dịch và giảm khả năng kháng bệnh.
Mycotoxin làm suy yếu hệ thống miễn dịch bao gồm AFB1, T-2 toxin, OTA, DON and fumonisin. Ảnh hưởng của mycotoxin trên phản ứng miễn dịch của động vật trên cạn đã được kiểm tra rộng rãi. Hầu hết các độc tố này gây suy yếu hệ thống miễn dịch bằng cách ức chế tổng hợp các protein quan trọng liên quan đến chức năng miễn dịch. Haemocytes, kết hợp với các phagocytes cố định tạo thành các thành phần miễn dịch của hệ thống miễn dịch tôm và như vậy việc giảm số lượng của chúng có thể dẫn đến giảm khả năng kháng bệnh, khiến tôm dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Tiêu thụ độc tố nấm mốc mycotoxin gây ức chế đáp ứng miễn dịch bằng cách giảm cả hoạt động thực bào và đại thực bào (Maning, 2001). Giảm số lượng tế bào máu khi nồng độ AFB1 tăng trong chế độ ăn đã được báo cáo bởi Boonyaratpalin et al. (2001) khi cho tôm ăn khẩu phần từ 0-2500 ppb AFB1 trong khoảng thời gian 8 tuần.
Sự ô nhiễm của độc tố nấm mốc trong thức ăn và nguyên liệu thô là một thực tế và sự gia tăng của nó trên cơ sở toàn cầu khiến cho bất kỳ loại thức ăn nào được cung cấp đều có thể chứa một hoặc nhiều loại độc tố. Chúng là những độc tố vô hình, không mùi và không vị có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe động vật.
Mặc dù sự hiện diện của mycotoxin trong thức ăn thể hiện mối đe dọa gia tăng đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, có một số lựa chọn có sẵn cho các nhà sản xuất và nông dân để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ nhiễm độc mycotoxin. Chúng bao gồm lựa chọn nguyên liệu thô cẩn thận, duy trì điều kiện bảo quản tốt cho thức ăn và nguyên liệu thô, và sử dụng sản phẩm khử độc tố mycotoxin.
Theo:tepbac.com