Quan sát dấu hiệu bất thường
Thông thường, người nuôi nên kiểm tra toàn bộ hoạt động của tôm trong ao 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều, quan sát một số dấu hiệu như: tôm thiếu ôxy, thức ăn dư thừa, màu sắc nước ao. Các dấu hiệu quan sát được là thông tin quan trọng đánh giá về hiện trạng sức khỏe tôm cũng như môi trường ao nuôi.
Tôm chết: trong mọi trường hợp, tôm chết cho thấy tình trạng ao nuôi đang xấu, sức khỏe tôm rất yếu.
Tôm bơi trên mặt nước: tôm có thể bị sốc do hàm lượng ôxy hòa tan thấp hoặc nhiệt độ cao hay bệnh.
Tôm hoạt động gần bờ: có thể do thiếu thức ăn.
Màu nước: thay đổi đột ngột hoặc đậm màu.
Mùi: Mùi phổ biến thường gặp là mùi tanh và mùi tảo. Mùi tanh là mùi đặc trưng của nhớt do tôm lột xác đồng loạt hoặc mùi thức ăn khi cho tôm ăn lượng lớn. Tảo nở hoa sẽ gây ra mùi, tảo lục thường là mùi bùn, tảo lam là mùi của thuốc kháng sinh. Ngoài ra, chất hữu cơ phân hủy trong tình trạng yếm khí cũng sinh ra mùi hôi thối.
Có cá bống bơi hỗn loạn hoặc tập trung gần bờ: Dấu hiệu cho thấy ôxy hòa tan thấp, có kèm khí độc cao, thường thấy ở những ao nhiều ngày tuổi. Đối với những ao này nên thu càng sớm càng tốt, để lâu theo phản ứng bình thường tôm sẽ lột xác nhưng không cứng vỏ và chết.
Ở một vài ao khi xuất hiện cua còng bò lên bờ, phản ứng chậm chứng tỏ nước ao nuôi bị ô nhiễm, khí độc cao và lượng ôxy hòa tan thấp… chỉ một tuần sau tôm sẽ rớt đáy. Một dấu hiệu nhận biết khác là ốc bò ra khỏi mặt nước thì lúc đó ao nhiều khí độc, đáy ao yếm khí…
Bọt khí nổi: Do hàm lượng hữu cơ trong nước ao cao.
Quan sát tôm ở sàng ăn
Hàng ngày kiểm tra tôm trong sàng ăn. Tôm khỏe là tôm có màu sắc bóng đẹp, phụ bộ đầy đủ không bị tổn thương, tôm búng mạnh, bơi nhanh, đường ruột đầy thức ăn và liên tục, tuyến gan tụy có màu nâu sáng, kích thước bình thường. Phân tôm mạnh khỏe sẽ có màu của thức ăn. Phân tôm có màu khác hoặc nhớt là dấu hiệu bất ổn. Khi thấy phân tôm của một vài con có màu đỏ, thường là trong ao đã có tôm chết.
Chài tôm kiểm tra sức khỏe
Tôm bị bệnh có biểu hiện: mềm vỏ, trống ruột. Ngã nghiêng (nằm nghiêng) nhanh chóng sau khi chài lên. Đục cơ trước 10 phút (khi chài lên) và thường xuyên xuất hiện đục cơ tại ao.
Sau khi chài tôm lên, cho vào một thau chứa lượng nước vừa đủ để tiện quan sát. Khi đã ổn định, tiến hành quan sát toàn thể mẫu tôm. Ba chỉ tiêu quan trọng nhất cần quan sát lúc này là độ đồng đều, tình trạng ruột và màu sắc gan tụy. Đây là những chỉ tiêu dễ quan sát và phản ánh trực tiếp hiện trạng sức khỏe tôm nuôi.
Kích cỡ tôm
Đánh giá độ đồng đều, mức độ phát triển của đàn tôm theo ngày tuổi từ đó đưa ra nhận định ban đầu về tình trạng sức khỏe của tôm. Nếu tôm quá nhỏ so với bình thường có thể đưa ra các giả định tôm bị nhiễm các bệnh gây chậm lớn. Nếu tôm lệch cỡ nhiều, có thể đưa ra giả thuyết tôm thiếu dinh dưỡng (thiếu khoáng hoặc thiếu thức ăn) hoặc nhiễm các bệnh gây lệch cỡ.
Kiểm tra gan: Tôm bình thường gan có màu nâu vàng hoặc vàng cam. Khi bóp gan ra, có dịch màu nâu vàng sệt, không chảy. Có mùi tanh đặc trưng.
Kiểm tra ruột
Quan sát và đánh giá khi tôm còn sống
Điểm trung bình < 1,6: tôm bị thiếu ăn hoặc bệnh
Nếu đã cho ăn > 80% tổng lượng thức ăn khuyến cáo và ít nhất 3 lần/ngày mà ruột < 1,6 là tôm bệnh.
Một số thay đổi bên ngoài
Vỏ: Tôm khỏe có vỏ bóng, khá dày chắc trong khi tôm bệnh vỏ thường lồi lõm. Vỏ tôm mỏng hoặc do lột xác không cứng vỏ thường cho thấy môi trường nước xấu và tôm sốc rất nặng. Nếu trong chài có số lượng tôm mỏng vỏ nhiều hơn 5% thì cần có biện pháp để khắc phục.
Hình dạng bất thường: tình trạng dị hình (do một số bệnh thường gặp như ASDD hoặc IHHNV), gãy gai chủy, đứt râu, mòn cụt chân bơi, chân bò (do đáy ao bị ô nhiễm); vỏ có các chấm đốm đen, đốm nâu, đốm trắng (nhiễm khuẩn hoặc hội chứng Taura)
Cong thân: có thể bị tác động bởi các yếu tố như sốc do nhiệt độ cao, nhiễm khuẩn Vibrio, mất cân bằng khoáng chất, độc tố trong môi trường ao nuôi. Tỷ lệ tôm bị cong thân có thể chấp nhận được trong ao tôm là < 5%
Đốm đen: Những đốm đen trên vỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như nhóm vi khuẩn Vibrio, Taura syndrome virus (TSV), những tổn thương vật lý (Lightner, 1996). Những đốm đen do vi khuẩn Vibrio gây ra với nguyên nhân khởi phát là chất lượng nước xấu, thường không gây chết tôm nếu như nó không làm tổn thương vỏ quá sâu vào bên trong phần cơ thịt tôm. Trong ao tôm, tỷ lệ vỏ tôm có đốm đen có thể chấp nhận được ở mức 5 - 10% trong chu kỳ nuôi, nhưng cần nhỏ hơn 2% vào giai đoạn thu hoạch tôm.
Mang: bình thường mang có màu trong suốt. Mang đổi màu sang vàng, nâu hay đen thường do đáy ao bị ô nhiễm, chất hữu cơ trong nước nhiều. Ngoài ra, các vùng trắng như tuyết trên mang có thể là mang bị hoại tử do bão hòa khí trong nước.
Phụ bộ: sưng phồng hay gãy phụ bộ thường do nhiễm khuẩn từ những vùng đáy ao bị ô nhiễm.
Theo: Contom.vn