Đánh giá ảnh hưởng của lá cây màng tang lên khả năng kháng bệnh do vi khuẩn (Aeromonas hydrophyla) của cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella)

Thứ bảy, 05/10/2019 - 02:13 PM      441

Cá trắm cỏ là đối tượng ăn thiên về thức ăn có nguồn gốc thực vật nên nếu sử dụng lá cây màng tang vào thức ăn cho cá trắm cỏ sẽ hứa hẹn đem lại hiệu quả cao. Do đó, việc đánh giá thử nghiệm này là rất cần thiết nhằm đưa ra các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả mà thân thiện với môi trường.

Đặt vấn đề

Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là một trong những đối tượng nuôi truyền thống trong NTTS, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc. Thịt cá thơm ngon và nhiều khu vực cá trắm cỏ được thả nuôi với tỷ lệ rất cao(Dongmeza et al., 2009, Steinbronn, 2009). Tuy nhiên, cá trắm cỏ thường xuyên bị mắc các bệnh do vi khuẩn, trong đó Aeromonas hydrophyla được xem là tác nhân gây bệnh chính (Mayrhofer et al., 2010). Cá có thể chết rải rác cho đến hết, gây thiệt hại cho người nuôi.

Cho đến nay, việc sử dụng thuốc chữa cho cá dường như không hiệu quả; trong khi, sử dụng kháng sinh để phòng và trị các bệnh liên quan đến cá trắm cỏ có thể mang lại rất nhiều rủi ro tới môi trường sinh thái, gây nhờn thuốc và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì thế, sử dụng các sản phẩm thảo dược đang được xem là hiệu quả và thân thiện với môi trường (Tuan et al., 2017).

Màng tang là một loại thực vật có hoạt tính dược lý cao, có khả năng ức chế rất tốt với các vi khuẩn gây bệnh trong thủy sản như Aeromonas sp., Streptococcus sp., Edwardsiella sp (Nguyen et al., 2016). Nghiên cứu của này đã cho thấy, cá chép sau khi được bổ sung bột lá cây màng tang có khả năng miễn dịch cao hơn hẳn so với đối chứng. Trong khi đó, cá trắm cỏ là đối tượng ăn thiên về thức ăn có nguồn gốc thực vật nên nếu sử dụng lá cây màng tang vào thức ăn cho cá trắm cỏ sẽ hứa hẹn đem lại hiệu quả cao. Do đó, việc đánh giá thử nghiệm này là rất cần thiết nhằm đưa ra các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả mà thân thiện với môi trường.

Cây màng tang

 

Phương pháp thí nghiệm

Chuẩn bị thức ăn thí nghiệm

Lấy màng tang và lá chuối được thu từ tự nhiên ở tỉnh Hà Giang được rửa sạch rồi sấy khô trước khi nghiền thành bột để phối trộn thức ăn cho cá. Thức ăn công nghiệp (28% protein và 8% lipid) được sử dụng làm thức ăn nền cho thí nghiệm. Thức ăn nền được nghiền nhỏ, bổ sung thêm 2% bột sắn và tỷ lệ các loại bột lá chuối hay lá cây màng tang. Thí nghiệm được tiến hành với 3 lần lặp và 5 công thức thức ăn được xây dựng như sau: CT1 (đối chứng) là thức ăn công nghiệp (30% protein và 8% lipid) được bổ sung 2% bột sắn để tăng kết dính, CT2: thức ăn đối chứng + 8% bột lá chuối, CT3: thức ăn đối chứng + 8% bột lá màng tang, CT4: thức ăn đối chứng + 16% bột lá chuối và CT5: thức ăn đối chứng + 16% bột lá màng tang.

 Bố trí thí nghiệm sinh trưởng

Cá trắm cỏ kích cỡ trung bình ~10 g/con được nuôi thích nghi 10 ngày trước khi bắt đầu thí nghiệm. Tổng số 300 cá được phân bố đều trong hệ thống bể tuần hoàn 15 bể (80 lít/bể). Cá được cho ăn với chế độ bão hòa 3 lần/ngày. Các yếu tố môi trường luôn được duy trì ở ngưỡng tối ưu cho cá. Cá được cân kiểm tra khối lượng trước khi thí nghiệm và tiến hành cân lại hàng tuần để kiểm tra tăng trưởng. Các chỉ số đánh giá sinh trưởng như tăng trưởng riêng (SGR), tăng trưởng trung bình/ngày (ADG), hệ số thức ăn (FCR) được xác định theo phương pháp (Tuan, 2010). Cá sau khi kết thúc giai đoạn sinh trưởng được tiếp tục tiêm cảm nhiễm bằng vi khuẩn Aeromonas hydrophyla.

Thí nghiệm cảm nhiễm với vi khuẩn A.hydrophyla cho cá

 Vi khuẩn A.hydrophila được phân lập từ cá nhiễm bệnh tại Khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nồng độ gây chết 50% được dùng để tiêm cảm nhiễm cho cá sau 45 ngày nuôi bằng các thức ăn khác nhau. Số lượng cá chết được theo dõi sau đó và mẫu bệnh phẩm được phân lập nhằm tái xác định nguyên nhân gây chết. Các số liệu sẽ được tính toán giá trị trung bình + độ lệch chuẩn của trung bình. Sự khác nhau thống kê được xác định bằng phân tích ANOVA với tiêu chuẩn Tukey-test (P<0,05) trong phần mềm Minitab-16.

 

 Kết quả

Trong suốt thí nghiệm sinh trưởng cá không có dấu hiệu bất thường và không bị chết. Cá nuôi ở CT3 cho kết quả tăng trưởng trung bình theo ngày cao nhất, đạt 0,52 ± 0,17 g/ngày (Bảng 1). Tuy nhiên, kết quả này không khác nhau thống kê với các kết quả thu được từ CT4 và CT5 nhưng cao hơn rõ rệt so với CT1 và CT2.

Các kết quả tăng trưởng SGR cho thấy, các công thức có bổ sung lá cây đều cao hơn có ý nghĩa thống kê so với thức ăn công nghiệp (CT1). Trong các công thức có bổ sung lá cây, giá trị SGR cao nhất đạt được ở công thức CT5 (0,31 ± 0,08 % day-1)và thấp nhất đạt được ở CT3 (0,26 ± 0,06 % day-1). Tuy nhiên, sự sai khác này giữa các công thức thức ăn không có ý nghĩa thống kê. Xu hướng này cũng tương tự với kết quả về FCR sau thí nghiệm. Giá trị FCR dao động từ 2,29 ± 0,11 (CT1) đến 2,39 ± 0,28 (CT5), trong đó công thức CT4 và CT5 trong thí nghiệm (bổ sung 16% lá cây) cho kết quả FCR cao hơn hẳn các công thức CT1 và CT2 có ý nghĩa thống kê (P<0,05).

Các kết quả SGR trong thí nghiệm này thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyen et al. (2016) trước đó với cá chép. Tuy nhiên, có thể trong thức ăn ở thí nghiệm này đã bổ sung với tỷ lệ các bột lá cây cao hơn dẫn đến kết quả tăng trưởng thấp hơn. Mặc dù, cá trắm cỏ là đối tượng ăn thiên về thức ăn xanh nhưng các lá cây phối trộn vào trong thức ăn đã được sấy khô cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiêu hóa của cá. Thực tế cho thấy, trong sản xuất cá trắm cỏ khi nuôi bằng cỏ xanh, lá tươi cho kết quả sinh trưởng khá tốt. Tuy nhiên, khi dùng cỏ khô lại cho kết quả tăng trưởng thấp hơn nhiều, thậm chí xảy ra cả hiện trượng tăng trưởng âm như trong thí nghiệm của Dongmeza (2009) dù thành phần dinh dưỡng của lá cây không hề thay đổi khi được làm khô bằng công nghệ đông khô.

 Kết quả về FCR của nghiên cứu này tuy cao hơn các nghiên cứu trước đó (Tuan, 2010) nhưng thấp hơn kết quả công bố trên cá chép của Nguyen et al., 2016 và cá trắm cỏ của Dongmeza (2009). Điều này có thể là do thức ăn được sử dụng trong thí nghiệm có tỷ lệ lá cây cao hơn so với thức ăn của cá chép dẫn đến hàm lượng xellulose cao và ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa. Tuy nhiên, so với kết quả trên cùng một loài của Dongmeza (2009), kết quả này tốt hơn hẳn. 

Kết quả theo dõi số cá chết sau cảm nhiễm cho thấy hiện tượng cá bị chết chủ yếu diễn ra trong vòng 3 ngày sau khi tiêm; hiện tượng này giảm dần và sau ngày thứ 9 trở đi thì không còn thấy hiện tượng cá chết ở tất cả các công thức. Các kết quả phân lập bệnh phẩm sau cảm nhiễm cũng cho thấy cá chết có sự phát triển mạnh của vi khuẩn gây bệnh A.hydrophyla. Tỷ lệ cá chết ở công thức đối chứng là cao nhất và lên đến 75%, tương đương với CT2. Tuy nhiên, cả 2 công thức này đều cho kết quả tỷ lệ cá chết cao hơn (74,9 ± 2,3 và 71,5 ± 3,1% tương ứng với CT1 và CT2) có ý nghĩa thống kê so với các công thức còn lại có bổ sung lá cây màng tang (P<0,05). Tỷ lệ cá chết thấp nhất là 46,6 ± 3,1% được ghi nhận ở CT5 (Bảng 1). 

Các kết quả này khá tương đồng với kết quả công bố trước đó của Nguyen et al. (2016) trên cá chép. Tuy nhiên, trong kết quả nghiên cứu của Nguyen et al., 2016 cho thấy, cá chép tăng trưởng không thật sự tốt khi bổ sung 16% bột lá cây màng tang. Tuy nhiên, thí nghiệm đó cũng đã chứng minh khi bổ sung 8 - 16% bột lá cây màng tang có thể cải thiện khả năng kháng vi khuẩn của cá chép. 

 

Kết luận

Các kết quả cho thấy màng tang có tính kháng khuẩn cao với vi khuẩn A. hydrophyla. Bổ sung bột lá cây màng tang vào thức ăn cho cá không ảnh hưởng tới sinh trưởng của cá, thậm chí còn làm tăng tốc độ tăng trưởng của cá cải thiện khả năng miễn dịch với vi khuẩn A. hydrophyla.
Theo:tapchithuysanvietnam

Tags:
Ý kiến của bạn