Bệnh viện Đà Nẵng – nơi điều trị cho 3 ca mắc Covid-19 này đã lên kế hoạch chi tiết, kỹ lưỡng, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Mỗi bệnh nhân được bố trí phòng riêng biệt, được thăm khám mỗi ngày 6 đến 8 lần.
Cách ly nghiêm ngặt
TP Đà Nẵng hiện ghi nhận 3 ca mắc Covid-19, đó là bệnh nhân thứ 22, bệnh nhân thứ 23 là 2 du khách Anh có mặt trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài. 2 du khách này được xác định đã lây nhiễm cho bệnh thứ 35 - một nữ nhân viên siêu thị Điện máy Xanh tại Đà Nẵng. Từ ngày 7-3, 3 ca bệnh này lần lượt được phát hiện và đưa vào điều trị cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Tại đây, các ca mắc được bố trí riêng biệt, điều trị tại tầng 4 của khoa Y học nhiệt đới. Nơi đay được thực hiện cách ly một cách nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Tất cả những y bác sĩ trong ca trực làm nhiệm vụ tại khu cách ly đặc biệt này đều được phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang.
Khu điều trị đặc biệt này được thiết lập thành 2 vùng, vùng nghi ngờ cách ly và vùng đẹp. Toàn bộ hệ thống thang máy được khóa 1 chiều và chỉ vận hành khi vận chuyển ca bệnh. Khu điều trị cũng được thiết lập quy trình vận hành một chiều, đi từ vùng nghi ngờ ra vùng đệm để xử lý khử trùng.
Không ai được phép ra vào khu vực điều trị này khi chưa có sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ của bệnh viện cũng túc trực ở 2 đầu 24/24 để ngăn chặn người bệnh ra ngoài.Trong các phòng bệnh cũng được lắp đặt camera để y bác sĩ trực có thể theo dõi tình trạng bệnh nhân ngoài thời gian thăm khám trực tiếp.
Việc giao tiếp, thông tin với các bệnh nhân đều thực hiện thông qua hệ thống liên lạc. Bệnh viện Đà Nẵng đã lắp đặt thêm thiết bị liên lạc cố định, dành riêng cho các bệnh nhân để liên lạc với nhân viên y tế bên ngoài.
Sẵn sàng mọi tình huống
Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm ngặt trong qua trình điều trị cho 3 ca mắc Covid-19 này. Mỗi ngày, các nhân viên y tế trong ca trực sẽ thay phiên nhau thăm khám trực tiếp các bệnh nhân trong khoảng 6-8 lần.
Trong các lần thăm khám này, nhân viên y tế sẽ thăm hỏi trực tiếp, đo huyết áp, điều trị… bên cạnh đó còn đưa thức ăn, lấy mẫu máu của bệnh nhân.
Các nhân viên y tế đã chuẩn bị sẵn thực đơn mỗi ngày để các bệnh nhân có thể lựa chọn theo nhu cầu.
"Bên cạnh đồ ăn phục vụ theo yêu cầu để bảo đảm dinh dưỡng, chúng tôi cũng quán triệt, động viên anh em luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu cần thiết, khi bệnh nhân yêu cầu. Theo dõi diễn biến tâm lý cho thấy, những ngày đầu khi vào đây họ có chút lo lắng, nhưng bây giờ thấy đã ổn định, thoải mái hơn", bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, việc tiếp nhận, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân luôn tuân thủ theo quy định, phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Bệnh viện Đà Nẵng đã ban hành 15 quy trình chuyên môn bao gồm: sơ đồ đường đi một chiều tại khu cách ly, mắc và tháo phương tiện bảo hộ, quy trình xử lý dụng cụ, xử lý rác thải…
Ngoài ra, để đề phòng trường hợp xấu nhất, Bệnh viện Đà Nẵng cũng xây dựng quy trình xử lý thi hài tại phòng cách ly, sơ đồ xử lý thi hài, sơ đồ đường vận chuyển thi hài.
Hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang huy động khoảng 100 người, gồm nhân lực Khoa Y học nhiệt đới cùng các chuyên khoa khác, sẵn sàng hỗ trợ, tích cực điều trị cho bệnh nhân.
Các y bác sĩ tham gia công tác này đều được quán triệt hạn chế tiếp xúc với người ngoài và chủ yếu ở lại bệnh viện trong suốt quá trình làm việc.
Mỗi buổi sáng, bệnh viện mở hội chẩn liên chuyên khoa để nắm tình hình sức khỏe của ác bệnh nhân. Trong đó, đội y bác sĩ của khoa gây mê hồi sức và tích cực chống độc sẵn sang để có thể đặt ống thông khí quản, chạy hệ thống máy thở trong trường hợp bệnh nhân diễn biến xấu.
Bác sĩ Trung cho hay, đây là những công việc có nguy cơ lây nhiễm cao do tiếp xúc với nước bọt, dịch hầu họng nên đòi hỏi đội ngũ y tế phải thuần thục về chuyên môn và hết sức kỹ lưỡng.
Theo:soha.vn