Cải tạo ao
Sau mỗi vụ nuôi, nền đáy ao thường tích tụ một lượng chất thải hữu cơ rất lớn chưa được phân hủy hết và có màu đen. Trước hết, người nuôi cần hút bớt bùn sang ao chứa và phơi cho khô, không nên xả bùn thải trực tiếp vào môi trường tránh gây ô nhiễm vùng nước xung quanh. Sau khi bơm cạn nước trong ao nuôi để phơi khô, cày lật nền đất lên phơi tiếp để chất thải còn sót lại tiếp xúc với ôxy và phân hủy cho hết. Nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và tia cực tím từ mặt trời sẽ giúp tiêu diệt phần lớn sinh vật trong nền đáy ao. Thời gian phơi ao càng dài, hiệu quả càng cao. Nếu lượng bùn thải còn nhiều, người nuôi có thể dùng máy ủi, ủi bỏ lớp đất đen bên trên của nền đáy. Số đất này nên được chôn hoặc chuyển sang một ao chứa riêng biệt ở cuối chiều gió trong trang trại, tránh để nhiễm ngược trở lại ao nuôi.
Tác dụng của vôi trong cải tạo ao nuôi tôm gồm: nâng pH, cải tạo đất phèn, cải thiện độ kiềm, độ cứng và hỗ trợ tiêu diệt mầm bệnh. Trong một số trường hợp, vôi (dolomite) còn được dùng kết hợp với quạt nước để tạo độ đục tạm thời cho nước ao nuôi khi tảo không phát triển. Mỗi loại vôi có tính chất riêng và được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Vôi nông nghiệp (CaCO3) được dùng nhiều trong khâu cải tạo đáy ao vì giúp hỗ trợ hệ đệm, ổn định pH lâu dài trong quá trình nuôi. Để diệt khuẩn hoặc nâng cao độ pH, dùng vôi sống CaO hoặc vôi tôi Ca(OH)2. Vôi đen (dolomite) nên dùng để xử lý nước trong vụ nuôi. Để đảm bảo tác dụng, vôi phải được rải đều khắp mặt ao. Nên chọn mua vôi của nhà cung cấp uy tín, có độ mịn cao, độ ẩm thấp và không lẫn tạp chất.
Người nuôi xử lý đáy ao bằng vôi
Nhiệt độ cao và tia cực tím từ mặt trời sẽ giúp tiêu diệt phần lớn sinh vật trong nền đáy ao
Đối với các ao bạt sử dụng lại bạt từ các vụ nuôi trước, người nuôi nên vệ sinh sạch sẽ bằng việc dùng vòi cao áp xịt rửa toàn bộ bề mặt bạt. Sau đó, tạt Chlorine 5% toàn bộ bề mặt bạt và phơi tối thiểu 5 ngày trước khi cấp nước đã qua xử lý vào ao.
Xử lý nước
Khi đã lấy nước vào ao, người nuôi có thể tiến hành diệt tạp để loại trừ các loài địch hại, sinh vật trung gian mang mầm bệnh hoặc sinh vật cạnh tranh nơi ở, thức ăn với tôm nuôi. Nếu không diệt tạp tốt, tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôm dễ bị nhiễm các bệnh do virus gây ra như đốm trắng, Taura, đầu vàng, hoại tử cơ… Để diệt tạp, người nuôi nên lựa chọn các chất có nguồn gốc hữu cơ, có khả năng phân hủy nhanh như bã trầu Mahua, bã hạt trà, saponin, rotenone.
Công đoạn tiếp theo là diệt khuẩn và gây màu nước. Chúng ta không thể tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn trong môi trường nuôi mà chỉ có thể giảm số lượng của chúng xuống dưới mức có thể gây hại cho tôm mới thả. Trong quá trình nuôi, ao nuôi có thể bị nhiễm khuẩn trở lại qua đường nước, không khí, con người hoặc các vật liệu tiếp xúc với ao. Để diệt khuẩn có nhiều loại hóa chất khác nhau, phổ biến nhất là Chlorine. Hàm lượng hóa chất sử dụng cần tương ứng với “độ dơ” của nước để có hiệu quả. Cần hết sức lưu ý hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về thời điểm và cách sử dụng các loại hóa chất này, tránh trường hợp các hóa chất này còn tồn đọng trong nước ao gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh và tôm thả vào sau đó.
Công tác xử lý đáy ao bạt cuối vụ
Sau khi diệt khuẩn, nước ao cần được gây màu, giúp hệ vi sinh vật có lợi và các loại thức ăn tự nhiên khác phát triển. Việc bón phân gây màu nước cần có sự kết hợp hợp lý giữa phân vô cơ và hữu cơ. Phân vô cơ có tác dụng nhanh nhưng không bền; phân hữu cơ có tác dụng chậm nhưng hiệu qua lâu dài hơn. Đồng thời, người nuôi có thể cấy vi sinh và đưa xuống ao từ thời điểm này. Mục đích là để tạo lượng vi khuẩn có lợi trong ao đủ lớn lấn át các vi khuẩn có hại, ngăn ngừa bệnh cho tôm khi mới thả vào.
Trên đây là những bước cơ bản trong quy trình cải tạo ao nuôi và xử lý nước, chuẩn bị cho một vụ nuôi mới. mời tất cả bà con cùng tham khảo, kính chúc quý bà con một mùa vụ thuận lợi, nhiều thắng lợi.