Ảnh hưởng
Vào mùa đông, khi nhiệt độ dưới khoảng tối ưu, thủy sản sẽ giảm khả năng bắt mồi, tiêu hóa thức ăn, sức đề kháng, hoạt động của hệ thống thần kinh. Từ đó, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng. Hơn nữa, nhiệt độ xuống thấp cũng là điều kiện tốt để cho vi khuẩn, virus (nhất là virus đốm trắng) gây bệnh phát triển. Bên cạnh đó, nguy cơ thiếu ôxy trong ao nuôi cao do nhiệt độ thấp cùng với trời ít nắng sẽ làm tảo chậm phát triển, quá trình quang hợp của tảo xảy ra cường độ thấp.
Ảnh: TTKN Hà Tĩnh
Đối với cơ sở sản xuất giống
Cần thực hiện sản xuất đúng theo khung lịch mùa vụ đã ban hành. Trong đó, tập trung vệ sinh trại, tẩy dọn các bể chứa lắng, bể lọc, bể ương, bể nuôi vỗ và các dụng cụ khác. Cần chắc chắn rằng các cơ sở phải trang bị hệ thống nâng nhiệt để đảm bảo luôn duy trì nhiệt độ trong bể ương ở mức khoảng 28 - 300C. Bể ương tôm đặt ở ngoài trời, bề mặt phải được phủ lưới và che chắn cẩn thận để tránh các tác nhân gây hại cho tôm.
Đối với ao ương cá hương, từ tháng 12, người nuôi cần chuyển lên hệ thống bể ương cá giống trong nhà để chủ động nâng nhiệt, có bổ sung sục ôxy liên tục.
Ao chuẩn bị thả
Ao nuôi trong mùa lạnh cần được chọn ở nơi khuất gió là tốt nhất, bờ ao chắc chắn và có thể giữ mực nước ổn định > 2 m. Ở một số khu vực đón gió mùa đông bắc liên tục, có thể làm đáy ao phía đông bắc sâu hơn và cần che bạt tránh gió trên bờ ao. Khi gió lạnh về, khu vực bờ này sẽ ấm hơn và cá sẽ tập trung nhiều hơn.
Chỉ thả giống khi nhiệt độ thực sự ổn định, không thả khi điều kiện thời tiết đang có gió lạnh. Nhiệt độ nước vận chuyển thủy sản cần được trại giống thuần sao cho phù hợp với nhiệt độ môi trường trước khi thả. Sau khi thả, nếu có xuất hiện những cơn mưa thất thường, người nuôi cần dùng vôi bột rải đều trên khắp bờ, mặt ao với liều lượng 2 kg/100 m2 để khắc phục tình trạng pH giảm đột ngột, ổn định môi trường nước ao.
Ao đang nuôi
Đối với ao tôm, cần xây dựng các ao nuôi có nhà bạt che phủ để kiểm soát nhiệt độ ổn định. Ao nuôi cá, cần tiến hành làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu. Bên cạnh đó, duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,4 - 1,8 m, hạn chế thay nước. Sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi để ổn định môi trường, giảm khí độc. Định kỳ dùng vôi bột hoặc một số thuốc sát trùng như đồng sulfat, thuốc tím, muối, BKC… liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh. Đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi, tôm cá sẽ có xu hướng di chuyển xuống đáy ao. Tuy nhiên, đây lại là nơi nơi tích tụ các mùn bã hữu cơ, khí độc, nấm và vi khuẩn có hại. Vì vậy, cần tăng cường quạt nước, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress cho thủy sản.
Ngoài quan tâm đến môi trường, người nuôi cần đặc biệt lưu ý đến khẩu phần cho thủy sản. Bởi khi nhiệt độ xuống thấp, cả tôm và cá đều không đòi hỏi một lượng thức ăn lớn mà chỉ cần đủ để duy trì cơ thể nên nhu cầu sẽ giảm đi. Nếu cho ăn thừa sẽ làm xấu môi trường ao nuôi, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển. Với ao tôm, khi nhiệt độ giảm 20C thì lượng thức ăn cần giảm 30 - 50% lượng thức ăn hàng ngày và khi nhiệt độ ổn định lại cần theo dõi khả năng bắt mồi để điều chỉnh cho phù hợp. Riêng với các loại cá, tùy từng loại sẽ có biện pháp điều chỉnh khác nhau. Một số loài ăn tạp như cá tra, rô phi, thời gian tiêu hóa trong đường ruột hoàn toàn có thể lên 24 - 36 giờ. Vì vậy, người nuôi có thể tính toán giảm số lần cho ăn thay vì giảm lượng thức ăn mỗi lần sẽ cho kết quả tốt hơn.
>> Người nuôi nên thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. |
Theo: Thủy Sản Việt Nam