Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm mai (29/8) đến ngày (2/9), ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to.
Bão số 4 dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h hôm nay (28/8), tâm bão số 4 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/h), giật cấp 11.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 30/8, tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75 - 100km/h), giật cấp 12.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, khoảng chiều đến tối ngày 30/8 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Cảnh báo gió mạnh trên biển:
Từ sáng sớm 30/8, ở Nam Vịnh Bắc Bộ có gió bão mạnh cấp 9-10; giật cấp 12. Từ trưa 30/8, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh.
Cảnh báo mưa lớn do bão:
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm mai (29/8) đến ngày 02/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to.
Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Trên các sông suối trên lưu vực sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-7m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao và lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà, sông Hoàng Long có khả năng đạt mức báo động (BĐ)1-BĐ2; thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lên mức BĐ2-BĐ3, hạ lưu lên mức BĐ1-BĐ2; đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; Ngập lụt tại các khu đô thị, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Chủ động ứng phó với bão số 4
Sáng 28/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp chuẩn bị công tác ứng phó với bão số 4 (bão Podul), tham dự cuộc họp có các bộ ban ngành có liên quan.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành báo cáo công tác triển khai ứng phó với bão số 4. Các bộ ngành đã triển khai nghiêm túc theo nhiệm vụ được phân công tại Công điện số 12/CĐ-TW hồi 11h00 ngày 27/8/2019 về việc ứng phó bão gần biển Đông.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức thông báo và kiểm đếm tàu thuyền các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị Cơ quan đại diện của các nước liên quan tại Việt Nam (Trung Quốc, Philippines,...) phối hợp, trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện cho tàu thuyền được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.
Văn phòng Bộ Công an đã có công điện số 16/CĐ-V01 ngày 27/8/2019 chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên sẵn sàng ứng phó với bão. Cục Trồng trọt đã có công văn số 1048/TT-CLT ngày 27/8/2019 gửi các tỉnh, thành phố chỉ đạo ứng phó với bão Podul…
Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đánh giá cao công tác triển khai đồng bộ, nghiêm túc của các lực lượng từ T.Ư tới địa phương.
Để ứng phó với cơn bão số 4, ông Hoài đề nghị các đơn vị thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch).
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh, nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối; Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc.
Đối với khu vực miền núi, trung du: Rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa. S
ẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình theo cấp báo động, ghi nhận của báo Kinh tế đô thị trong cuộc họp sáng nay.
Theo:soha.vn