Sau 1 tháng triển khai phạt nguội qua hình ảnh, đoạn phim tố cáo của người dân, cơ quan chức năng chưa thể xử lý.
Ngày 5/9, sau khi tròn một tháng triển khai, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP HCM) thông báo kết quả xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm bị người dân ghi hình ảnh, đoạn phim gửi về.
Cụ thể, Trung tá Nguyễn Văn Bình (Đội trưởng Đội Tham mưu, thuộc PC08, Công an TP HCM) cho biết,CSGT TP HCM chỉ nhận được 4 lượt người dân cung cấp hình ảnh, đoạn phim phản ánh các trường hợp vi phạm luật giao thông trên các tuyến đường thành phố.
Tuy nhiên, người dân không cung cấp được ngày giờ, tuyến đường vi phạm hoặc biển kiểm soát phương tiện vi phạm nên lực lượng CSGT không thể trích xuất hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành chính.
Hiện, phòng PC08 đã chỉ đạo CSGT địa bàn đến địa điểm khảo sát, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Trước đó, PC08 triển khai chương trình tiếp nhận clip của người dân ghi hình phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ để xác minh, xử lý từ 1/8. Dù vậy, phòng này chỉ tiếp nhận các clip mà người dân mang đến trực tiếp trụ sở ở 341 đường Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM) và mang theo giấy tờ tùy thân.
Để đủ căn cứ xác minh, phạt nguội, những hình ảnh, clip người dân quay cần rõ ràng, liên tục, không cắt ghép. Nội dung thể hiện rõ thời gian, địa điểm, biển số xe vi phạm.
“Trụ sở Phòng PC08 là nơi duy nhất tiếp nhận tố giác của người dân vì ở đây mới có đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, phân tích, đánh giá chính xác hình ảnh. Từ đó đảm bảo sự công bằng, chính xác khi đưa ra quyết định xử phạt.
Nếu người cung cấp thông tin sau khi gửi hình ảnh tố cáo đến lực lượng chức năng rồi đóng trang mạng xã hội của mình, chúng tôi không thể nào liên hệ được với họ để phối hợp làm rõ thông tin đó”, Trung tá Nguyễn Văn Bình trao đổi với phóng viên.
Về xử lý vi phạm qua hình ảnh được trích xuất từ camera trên đường và CSGT trực tiếp đi quay, trong năm 2018, đơn vị đã trích xuất gần 60.000 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó chấp hành xử phạt (tương đương 10 tỉ đồng). Còn lại 80% (tương đương 40 tỉ đồng tiền phạt) người vi phạm vẫn không chịu đóng.