"Ao cá Bác Hồ" - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác

Thứ ba, 19/05/2020 - 03:16 PM      1063

“Ao cá Bác Hồ” - tên một phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển rực rỡ từ những năm 1980 - còn nguyên tính hiệu quả về kinh tế, xã hội gắn với mục đích dân sinh đến tận ngày hôm nay. Mạch nguồn ao cá bên nhà sàn của bác nay đã lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc, hòa vào mạch sống chung của người dân đất Việt.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác

 

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 1.
‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 2.

Được thăm ao cá Bác Hồ

Chúng em mừng quá reo hò vỗ tay

Cá mè, cá chép, cá chày

Bỗng dưng rẽ nước bơi đầy mặt ao.

Em nghe mấy bạn thì thào

Được gần bên Bác thảo nào cá ngoan.

(NGƯT – nhà văn Nguyễn Ngọc Ký)

Câu chuyện về đàn cá ngoan được anh Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch kể với chúng tôi khi tìm đến anh tham khảo tư liệu về ao cá tại nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Kỷ niệm về Bác là những câu chuyện rất giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy tình yêu với con người, thiên nhiên và cuộc sống.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 3.

Một Hồ Chủ tịch giản dị, gần gũi với nếp sống thường nhật.

Đi theo những con đường rợp bóng cây dừa, cây bụt mọc bên ao cá, anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Bác. Sinh thời, Bác chăm đàn cá rất chu đáo. Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều là lúc Bác cho cá ăn.

Thức ăn chủ yếu cho cá thường là cám, ngoài ra buổi sáng lúc ăn điểm tâm, Bác để lại một lát bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao.

Từ khi có ao cá, dù bận đến thế nào, sau giờ làm việc Bác cũng ra cầu ao gọi cá cho ăn. Những con cá dần quen với những tiếng vỗ tay của Bác. Chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện, đàn cá chỉ nổi lên mỗi khi nghe tiếng vỗ tay quen thuộc.

Có lần, Bác đi công tác nước ngoài lâu ngày, những người phục vụ cho con cá ăn theo cách Bác vẫn làm. Khi về, Bác ra cầu ao gọi cá nhưng mãi không thấy cá đâu.

Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ của Bác về ăn như mọi khi. Bác bảo: “Chú ạ, có mấy con cá quen mà Bác vỗ tay gọi mãi chẳng thấy nó về. Chắc chú nào bắt mất rồi!”.

Bác nói vậy nhưng thực ra Bác biết ao cá vẫn còn nguyên, chỉ có điều lâu ngày không được huấn luyện nên cá không còn thói quen cũ. Bởi vậy, Bác nhắc với người phục vụ: “Con người ta cũng vậy, để tạo thói quen tốt phải đòi hỏi sự kiên trì và khổ công rèn luyện. Thói quen xấu thì tiếp thu nhanh lắm!”.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 4.

Cá trong ao cũng được sử dụng mỗi khi Bác mời cơm các đoàn khách trong nước và quốc tế.

Yêu thương những gì gắn bó xung quanh mình, Bác còn chú ý bảo vệ đàn cá, những năm trời rét đậm, Bác nhắc anh em kiếm bèo tây về ngăn vào một góc ở hướng Bắc để che gió lùa và cho cá có nơi trú ẩn.

Một câu chuyện khác mà đến nay nhiều người vẫn thường nhắc, đó là chuyện Bác Hồ bày cách cân cá. Có lần bắt được con cá trắm đen nặng tới 24kg. Vì con cá quá to lại giãy rất khỏe nên nhiều người loay hoay mà không thể nào cân được.

Anh em cứ đặt lên cân thì cá lại nhảy xuống. Thấy vậy, Bác liền cười và bảo: “Một chú ôm con cá và đứng lên cân. Sau đó chú bỏ cá xuống, cân mình xem bao nhiêu cân rồi lấy tổng số trừ đi là ra”. Lúc ấy anh em mới chợt ồ lên vì cách giải quyết đơn giản thế mà chẳng ai nghĩ ra.

Cá Bác nuôi rất mau lớn, đàn cá rô phi sản lượng mỗi năm một tăng nên đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện bữa ăn. Cứ mỗi khi có khách trong nước hay ngoài nước được Bác mời cơm thì món ăn “cây nhà lá vườn” là cá Bác tự tăng gia.

Hàng năm cứ vào những ngày lễ hoặc Tết cổ truyền, Bác lại nhắc anh em phục vụ bắt một số cá lên làm quà biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời tặng anh em trong đơn vị bảo vệ cùng các gia đình trong cơ quan. Cá trong ao cũng được sử dụng mỗi khi Bác mời cơm các đoàn khách trong nước và quốc tế.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 5.
 

Ngày nay, mỗi khi vào Lăng viếng Bác xong, du khách thăm quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh không khỏi trầm trồ, thích thú với không gian xanh vườn cây, ao cá bên cạnh khu nhà sàn.

Đàn cá dường như dạn người lúc nhảy lên vui đùa làm khuấy động không gian mặt nước xanh thẫm, lúc lại chen nhau ngoi lên mặt nước đớp mồi được thả xuống từ khu vực cầu ao cũ.

Bao năm Người đi xa, nhưng những ký ức về lối sống giản dị của người bên vườn cây, ao cá; đạo đức, tình thương của Người vẫn lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Xem clip Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công chia sẻ về "Ao cá Bác Hồ" bên nhà sàn của bác:

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Anh Nguyễn Văn Công cũng cho biết về lịch sử hình thành khu ao cá bác hồ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ thời Pháp, khi xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Chính phủ Pháp đã cho đào một chiếc ao với mục đích để chứa nước.

Sau là chỗ để hươu nai trong vườn sau Phủ Toàn quyền (vườn Bách Thảo bây giờ) xuống uống nước.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nơi này được chọn là nơi làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, đồng thời là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày về Thủ đô, sống và làm việc ở nhà sàn, Bác Hồ đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá vừa để cải thiện đời sống, vừa làm cho không khí thêm trong lành. Làn nước mát cũng giống như dòng nước sông quê chảy trong lòng mỗi người dân Việt.

Nghe theo lời gợi ý của Bác, anh em bảo vệ đã tập trung làm. Chỉ sau một tuần, công việc nạo vét hồ đã hoàn thành.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 7.

Cây bụt mọc - một loại cây rất đặc biệt mọc bên ao cá của bác.

Sau khi ao đã được dọn sạch, nạo vét và kè lại bờ thành ao nuôi cá, Trại cá giống Đình Bảng đã mang sang những giống cá tốt thả vào ao.

Những cây dừa, bụt mọc, liễu… cũng được trồng lại như nhắc nhớ hình ảnh Bắc - Trung - Nam trong trái tim Người. Theo anh Công, ao rộng 3.320m2, độ sâu trung bình là 2m với 16 loài, 6 nhóm cá tung tăng bơi lội.

Cá được thả ở đây là cá rô phi, chép, mè, trôi, trắm cỏ… Trong hồ còn phát triển khá nhiều loại trai, nhiều con đã kết ngọc. Riêng cá trắm phát triển rất nhanh và có lần anh em đánh được con cá nặng 24kg.

Bác nói rằng nuôi cá phải chọn loại dễ nuôi, mau lớn và sinh sản nhiều. Đó là những loại cá có giá trị kinh tế của nước ta. Phương châm đó của Người là một bài học lớn cho cán bộ ngành Thuỷ sản suy nghĩ trong công tác nghiên cứu của ngành mình gắn với quan điểm kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho phong trào sản xuất.

Đó chính là khởi nguồn của phong trào “Ao cá bác Hồ” bắt đầu được phát động 10 năm sau ngày Bác mất.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 8.

Công việc chăm sóc đàn cá trong Ao cá Bác Hồ vẫn được tiến hành cẩn trọng mỗi ngày.

Theo Giám đốc Khu Di tích Nguyễn Văn Công: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và sống những năm tháng cuối đời (1954 - 1969).

Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật nơi đây chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau là minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân.

Sau khi Bác qua đời, tất cả cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời cần được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên trạng. Bởi vậy, toàn bộ không gian khu vực đã được định vị chính xác trên bản đồ cho từng ngôi nhà, gốc cây, mảnh vườn đến đường đi, lối mòn... và được quy hoạch chi tiết.

Từng điểm di tích đều đánh dấu sự kiện đáng nhớ và mang ý nghĩa nhất định tại từng thời khắc quan trọng của Bác.

Từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phục vụ, đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 8 tháng của năm 2019, Khu Di tích đã đón hơn 2 triệu lượt khách.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 9.
‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 10.

Tìm hiểu về phong trào “Ao cá Bác Hồ” đã từng lan rộng ra khắp cả nước và vẫn còn phát huy hiệu quả đến ngày hôm nay, chúng tôi đến gặp TS. Tạ Quang Ngọc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản tại ngôi nhà nhỏ của ông trên phố Huỳnh Thúc Kháng.

“Phong trào Ao cá Bác Hồ là cơ sở phát triển nghề nuôi cá nước ngọt cũng như ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam hôm nay.” - người cán bộ lão thành đầy tâm huyết với ngành Thủy sản bắt đầu câu chuyện.

Sinh thời, Bác luôn chú trọng phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Trong di chúc của mình, Bác đã viết “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 11.

Phong trào “Ao cá Bác Hồ” là cơ sở phát triển nghề nuôi cá nước ngọt cũng như ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam hôm nay.

Theo lời Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, qua tư liệu mà ông dày công nghiên cứu, hành trình phong trào “Ao cá Bác Hồ” phát triển khắp cả nước một cách ngoạn mục với tốc độ đột phá.

Trước đó, vào tháng 5/1960, Hợp tác xã Yên Duyên - Yên Sở, Thanh Trì (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên được Bác gửi tặng 100 con cá rô phi giống lấy từ “Ao cá nhà Bác” để nuôi, từ đó sản lượng cá của địa phương tăng từ 50 tấn (năm 1962) lên 730 tấn cá (năm 1975) nhờ tận dụng tốt mặt nước sẵn có cũng như nguồn thức ăn phong phú sẵn có.

Đến đầu năm 1969, khi một đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình ra Trung ương họp và được vào báo cáo với Bác về thành tích của tỉnh, khi Bác hỏi thăm về tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh, đồng chí cán bộ báo cáo đời sống của nhân dân khó khăn vì thu nhập chính của nhân dân là nghề cá thì bị địch phong tỏa bờ biển, không đủ cá giống để nuôi.

Khi đó, Bác đã nói “Nếu thiếu giống thì Bác sẽ cho cá giống. Trong lúc cá biển gặp nhiều khó khăn, các chú cần đẩy mạnh nuôi cá để có thêm thức ăn bồi dưỡng sức dân”.

Mùa thu năm ấy, Bác đột ngột qua đời. Biến đau thương thành hành động, nhân dịp sinh nhật Bác 19/5/1970, đại diện tỉnh Quảng Bình đã đến Văn phòng Phủ Chủ tịch để nhận 1.200 con cá rô phi giống trong ao cá của Bác, quyết tâm nhân rộng giống cá trong ao cá Bác Hồ.

Đoàn xe chở cá đã vượt 500km liên tục trong 3 ngày đưa cá về đến Quảng Bình.

‘Ao cá Bác Hồ’ - mãi xanh từ mạch nguồn tình Bác - Ảnh 12.

Thực hiện lời căn dặn của Người và nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/11/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”, lấy ao cá của Bác ở Phủ Chủ tịch làm kiểu mẫu, rồi từ đó phát động thi đua rộng khắp cả nước để thực hiện.

Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch đã được gửi cho nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hóa, Hà Nội…

Ngày 18/12/1978, chiếc máy bay chở cá giống từ ao cá Bác Hồ đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Số cá giống này được nuôi tại Trung tâm cá giống Thủ Đức để cung cấp cá giống cho đồng bào miền Nam.

Trên khắp cả nước từ Bắc tới Nam, từ miền núi tới đồng bằng, nhiều hợp tác xã đã đầu tư hàng vạn ngày công cải tạo ao tù, đồng cớm thành khu “Ruộng cả ao liền” nhằm phát huy tiềm năng mặt nước phong phú trên khắp đất nước.

Phong trào này đã thu hút được đông đảo các địa phương trong cả nước tham gia và gặt hái được những thành công lớn. Những "Ao cá Bác Hồ" trở thành những “kho thực phẩm” ở nông thôn giúp giải quyết hậu cận tại chỗ.

Trong bài nghiên cứu của mình, TS. Tạ Quang Ngọc ghi rõ “Phong trào “Ao cá Bác Hồ” bắt nguồn từ chính sự quan tâm, chăm lo của Bác tới người dân nói chung, người nông dân nói riêng, tuy nhiên, nó cũng là cơ sở phát triển nghề nuôi cá nước ngọt cũng như ngành nuôi trồng thủy sản nước ta hôm nay.

Từ khi phát động phong trào (giữa tháng 11/1978) đến hết tháng 3/1979, cả nước có 594 “Ao cá Bác Hồ” với tổng diện tích mặt nước là 391,5 ha tại 18 tỉnh, thành phố với 120 huyện, thị xã, khu phố, trong đó có 394 điểm của Hợp tác x&

Tags:
Ý kiến của bạn