Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Cát Hải
Chiều 30-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại huyện Cát Hải, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.
Báo cáo với cử tri huyện Cát Hải, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng, cho biết sau 28 ngày làm việc, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp với kết quả thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Cử tri huyện Cát Hải bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự thay đổi mạnh mẽ, vượt bậc của TP Hải Phòng. Cử tri cũng vui mừng khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108 ngày 26-11-2019 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ ngành sớm triển khai chương trình hành động để Nghị quyết được trở thành hiện thực.
Cử tri kiến nghị việc triển khai thực hiện Nghị định số 89/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù cho TP Hải Phòng là chậm, thậm chí đến nay đã hơn 2 năm song vẫn chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, đề nghị từ năm 2020 khi giao các chỉ tiêu như: thu ngân sách, giao tỷ lệ điều tiết ngân sách, mức vay ngân sách hằng năm… cho TP Hải Phòng cần đảm bảo phù hợp; đồng thời quan tâm bố trí các nguồn vốn của Trung ương để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, tạo đột phá cho kinh tế vùng và cho Hải Phòng.
Cùng với đó, cử tri đề nghị trong quá trình thực hiện quy hoạch chi tiết 1/2000, Thủ tướng Chính phủ và TP Hải Phòng quan tâm lấn biển ở phía Nam, khai thác triệt để các bãi triều, các đầm hồ, các ruộng muối ở phía Bắc, sửa chữa nâng cấp sông Lương Năng tạo ranh giới ngăn cách giữa khu công nghiệp và khu dân cư giúp cho dân đảo Cát Hải được an cư, giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa, duy trì làng nghề sản xuất nước mắm.
Đề nghị Thủ tướng và Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh, nâng mức được hưởng trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi lên 500.000 đồng/1 tháng, hiện nay 270.000 đồng/tháng còn thấp. Đồng thời, đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Người cao tuổi hạ độ tuổi được hưởng bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi không có lương, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi để phù hợp với tuổi thọ trung bình của người cao tuổi Việt Nam. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ có các giải pháp gì để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước tình trạng chung của cả nước về sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn có xu hướng gia tăng, cử tri mong muốn Chính phủ và chính quyền các cấp có các chương trình hành động đồng bộ, lâu dài, khả thi để tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của các hộ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; đồng thời hỗ trợ và khuyến khích việc áp dụng khoa học kỹ thuật và các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân. Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn...
Cử tri quan tâm Việt Nam sẽ cần phải làm những gì để hoàn thành trọng trách to lớn và phấn khởi là Chủ tịch ASEAN 2020 và là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc. Đề nghị nêu rõ hơn quan điểm của Thủ tướng về vấn đề phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay.
Phát biểu trước cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2019, tình hình thế giới có nhiều phức tạp, nhưng đất nước ta có sự tăng trưởng cao, mức sống của người dân nâng lên, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng giảm xuống.
"Chúng ta bước vào năm 2020 với khí thế mới, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ trong điều hành đất nước vượt qua khó khăn" - Thủ tướng nói.
Về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay của khóa Quốc hội hiện nay với nhiều nội dung phong phú. Tại kỳ họp đã thông qua nhiều văn bản, bộ luật quan trọng. Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là nghị quyết có ý nghĩa rất lớn, trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020…
Trên cơ sở đánh giá tình hình và yêu cầu phát triển của đất nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nêu rõ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đồng thời, đề nghị quan tâm, tập trung hơn đến 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước nhằm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Thủ tướng cũng thông tin Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua tờ trình biên giới với Campuchia. Đây là quá trình bền bỉ giữa 2 nhà nước trong suốt thời gian qua.
"Biên giới bình yên mới lo chuyện đại sự trong nước được, chúng ta phải kiên trì phấn đấu và thúc đẩy một cách chủ động. Chúng tôi thường xuyên làm việc với Thủ tướng Campuchia và các địa phương ở phía nam để thúc đẩy quá trình này và năm 2020, phấn đấu thực hiện thêm 10% việc cắm mốc để cơ bản hoàn tất phân mốc biên giới, từ đó lo lâu dài cho con cháu chúng ta" -Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết Việt Nam có vinh dự với 2 sự kiện trong năm 2020 là Chủ tịch ASEAN, thể hiện vai trò một ASEAN đoàn kết, thống nhất, đồng thời đảm nhận làm Ủy viên không thực trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc.
"Khi bỏ phiếu bầu chức danh Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương chúng ta đạt số phiếu 192/193 nước, chứng tỏ sự tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để nhân dịp này nâng cao vị thế của đất nước, đảm nhiệm trách nhiệm của Việt Nam là nơi kết nối các dân tộc trong khu vực và thế giới" - Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho rằng nên có một số cuộc họp diễn ra tại Hải Phòng bởi thành phố có điều kiện tốt, nhiều khách sạn 5 sao, giao thông thuận lợi, người dân văn minh, lịch sự, mến khách.
Thủ tướng khẳng định Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về an toàn thực phẩm, yêu cầu xử lý nghiêm những vi phạm. Bởi thế, việc đảm bảo an toàn thực phẩm đã có bước chuyển biến rất đáng mừng, nhất là thời gian gần đây, các vụ ngộ độc tập thể ở các bếp ăn tập thể của công nhân giảm hẳn. Việc chú trọng chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc an toàn bắt đầu hình thành mạnh mẽ ở các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại trong vấn đề này, vì thế các cấp chính quyền cần tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn để có thực phẩm sạch cho nhân dân, công khai nguồn gốc thực phẩm, điều tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe các vụ vi phạm để người dân sống mạnh khỏe hơn. Nhân đây, Thủ tướng đề nghị từng gia đình, từng thôn xã, khối phố giám sát chặt chẽ vấn đề này.
Về kiến nghị có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nâng cao ngân sách và có sản phẩm xã hội, để kinh tế tư nhân có thể phát triển tốt hơn.
Về ý kiến cử tri đề nghị sớm triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Thủ tướng cho biết một số việc thuộc trách nhiệm của Chính phủ, một số việc Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội để có thể chế tốt cho Hải Phòng, tạo điều kiện để Hải Phòng phát triển bền vững, cả về nguồn lực và định hướng, chiến lược… để Hải Phòng phát triển, cất cánh cao hơn, xa và nhanh hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng đời sống nhân dân, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Về vấn đề môi trường, Thủ tướng khẳng định quan điểm của nhà nước ta là phát triển kinh tế nhưng không được coi nhẹ môi trường; bảo vệ môi trường là yêu cầu bức thiết của đất nước.
Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu các đơn vị, cá nhân phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường để nhân dân có cuộc sống tốt hơn, hưởng ứng tích cực chủ trương không sử dụng đồ nhựa một lần và túi nilon. Thủ tướng kêu gọi các cấp chính quyền và nhân dân xử lý rác thải nhựa, rác thải nông thôn để bảo vệ môi trường.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).