Diễn đàn đã được nghe các báo cáo tham luận với các nội dung: Các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng vụ Đông tại Thanh Hóa; Áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất các cây trồng vụ Đông 2019; Các giải pháp kỹ thuật trong phòng trừ dịch hại cây trồng vụ Đông; Phát triển sản xuất cây trồng vụ Đông đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Giải pháp sử dụng phân bón mang lại hiệu quả cao trong thâm canh cây trồng vụ Đông đảm bảo điều kiện xuất khẩu; Những lưu ý trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả trong sản xuất vụ Đông; Sản xuất vụ Đông đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; Vai trò của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trong sản xuất cây vụ Đông; Sản xuất vụ Đông gắn với tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Nga Sơn và kinh nghiệm sản xuất các cây trồng vụ đông gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Phong trào sản xuất vụ Đông tại Thanh Hóa trong những năm gần đây mang lại hiệu quả cao cả về thu nhập, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với thế mạnh về sản xuất vụ Đông là có 3 tháng lạnh, sự chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại đối với cây trồng, nhất là nhóm rau màu ôn đới. Bên cạnh đó, điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu của tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là các loại cây như ngô, đậu tương trên đất 2 lúa, các loại rau màu chất lượng cao phục vụ tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu. Đồng thời, nông dân trong tỉnh có truyền thống và trình độ thâm canh vụ Đông ngày càng cao. Không những thế, vụ Đông chỉ 3 tháng, nhưng cho giá trị thu hoạch bằng 2-3 lần cả năm làm lúa, nhiều hộ nông dân trở nên giàu có nhờ tích cực sản xuất vụ Đông. Giá trị sản xuất vụ Đông toàn tỉnh mang lại hằng năm khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng (tính theo giá hiện thời). Các cây trồng chủ lực mang lại giá trị và hiệu quả cao như: ớt, dưa bao tử, khoai tây, ngô ngọt, ngô làm thức ăn gia súc, rau ưa lạnh... , vì vậy đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất vụ Đông, tạo được sự thu hút của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì sản xuất vụ Đông tại Thanh Hóa cũng còn gặp một số khó khăn như: áp lực về thời vụ, thời tiết, thiếu lao động sản xuất, thiếu vốn, sâu bệnh nhiều, đặc biệt là sâu keo mùa thu... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và khả năng đầu tư của người dân; Phong trào sản xuất vụ Đông tại các địa phương không đồng đều, do đó chưa phát huy được hết thế mạnh, tiềm năng đất đai, thị trường, lợi thế cạnh tranh của các loại cây trồng vụ đông.
Xác định vụ Đông là vụ có tiềm năng mở rộng diện tích, phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau; Thanh Hóa xây dựng mục tiêu diện tích sản xuất vụ Đông 2019-2020 toàn tỉnh đạt 50.000 ha (tăng 1.275 ha so năm trước), trong đó một số cây trồng chủ lực như: ngô 15.100 ha, năng suất 47 tạ/ha, sản lượng ngô đạt 70.970 tấn; diện tích khoai tây 1.500 ha, ớt xuất khẩu 2.000 ha, dưa chuột, ngô ngọt xuất khẩu 500 ha, khoai lang 3.000, lạc 1.000 ha, còn lại là cây trồng khác. Để đạt được mục tiêu kế hoạch sản xuất vụ Đông 2019-2020 cần có các giải pháp như: xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và triển khai đến tận thôn, xã; tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất vụ Đông; giải pháp về kỹ thuật; tổ chức tốt công tác dịch vụ phục vụ sản xuất; Huy động các nguồn lực cho sản xuất vụ Đông; có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông…
Thông qua diễn đàn, Ban chủ tọa và Ban cố vấn diễn đàn cũng đã giải đáp 23 câu hỏi của nông dân xoay quanh phong trào sản xuất vụ Đông; các giải pháp phát triển cây hàng hóa; một số đối tượng sâu hại chính cây vụ Đông (cà chua, khoai tây, cây ngô) lưu ý trong sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là đối tượng mới xuất hiện tại Thanh Hóa vào tháng 4 năm 2019 - sâu keo mùa thu; Liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân...