Bệnh đốm đen trên tôm thẻ chân trắng
Nguyên nhân gây bệnh đốm đen
Do các giống vi khuẩn có trong nguồn nước ao nuôi gây nên. Những loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra chất men ăn mòn lớp vỏ chitin của tôm nuôi. Vi khuẩn gây bệnh đốm đen phát triển mạnh ở các ao, đầm dơ bẩn, ô nhiễm nặng, tích tụ nhiều các loại khí độc NH3, NO2 và H2S cao, từ đó làm cho hàm lượng oxy trong nước giảm thấp.
Biểu hiện bệnh đốm đen
Khi tôm mắc bệnh đốm đen sẽ xuất hiện các biểu hiện như: tôm bỏ ăn hay giảm ăn, bơi lờ đờ, hoạt động không lanh lẹ. Trên thân tôm sẽ xuất hiện thêm nhiều đốm màu đen nhỏ nằm ở các vị trí riêng biệt hay chụm lại thành từng đám. Những đốm này có màu sắc tối hay đen, đuôi tôm sẽ bị mỏng, phụ bộ của tôm bị tổn thương, mòn đuôi, tôm bị cụt râu.
Bệnh nặng quan sát bên trong thấy ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt, bề mặt thân tôm bị đen và hôi.
Tác hại của bệnh đốm đen
Khi tôm nhiễm bệnh đốm đen thì việc điều trị bệnh thường gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao. Do đó, trong thực tế phần lớn các ao nuôi tôm bị đốm đen phải tiến hành thu hoạch.
Phòng bệnh đốm đen trên tôm thẻ
- Bằng cách thường xuyên theo dõi tình trạng vệ sinh ao, đầm nuôi, các yếu tố môi trường chất lượng nước.
- Cần định kỳ chài tôm để kiểm tra trạng thái sức khỏe nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Đảm bảo nguồn nước với các thông số: pH, Oxy, hàm lượng kim loại.
- Chất lượng tôm giống và mật độ nuôi thả đảm bảo đúng quy trình.
- Quản lý thức ăn của tôm, bổ sung thêm canxi, khoáng chất giúp quá trình lột vỏ của tôm diễn ra dễ dàng đồng thời tăng sức đề kháng cho tôm.
- Thường xuyên kiểm định lượng khí độc tồn trong ao.
- Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để huỷ các chất độc, bùn đáy.
Trên đây là một vài chia sẻ của các chuyên gia về căn bệnh đốm đen trên tôm thẻ chân trắng. Hy vọng qua bài viết này, bà con có thêm thông tin hữu ích để áp dụng cho mình.
Theo: Contom.vn