Trong ba tỉnh xảy ra gian lận thi cử năm 2018, Sơn La và Hòa Bình đã lần lượt 'gọi tên' những lãnh đạo có con em được nâng điểm, chỉ riêng tỉnh Hà Giang đến giờ này vẫn lặng thinh chưa thấy công bố gì dù là nơi khởi phát đầu tiên và công an cũng đã đề xuất xem xét.
Ngày 22/8, VKSND tỉnh Hà Giang đã ra cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang. Tòa án cùng cấp cho biết thêm, sẽ thông báo công khai lịch xét xử vụ án sau khi nhận được hồ sơ.
Đáng chú ý, cáo trạng thể hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất số 52 ngày 12/8 gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý 210 bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm theo quy định hiện hành.
Thế nhưng đến giờ, Hà Giang vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho vấn đề này.
Trong khi đó, tại tỉnh Sơn La có 44 thí sinh được nâng sửa điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, trong đó nhiều thí sinh có cha, mẹ đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại tỉnh này.
Trong số đó có thể kể đến các ông bà cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cục trưởng Cục Thuế tỉnh, phó chánh Thanh tra tỉnh, phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La, hai phó chủ tịch UBND TP Sơn La, phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, giám đốc VNPT Sơn La, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La, phó chánh văn phòng Tỉnh ủy…
Đối với các phụ huynh này, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có công văn số 2267 gửi các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố của tỉnh.
Theo đó, chủ tịch tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định số 889 - QĐ/TU ngày 28-5-2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc xem xét, kiểm điểm cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Trong công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn yêu cầu "chưa xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền".
Trong đó, Ủy ban kiểm tra nêu rõ 5 lãnh đạo có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, gồm nguyên giám đốc Sở Giao thông vận tải, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh và giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình cũng nêu rõ kết quả xác minh: dù các vị cán bộ trên và người thân khẳng định không tác động, can thiệp nâng điểm cho con nhưng thực tế là con họ đã được sửa nâng điểm và đã sử dụng điểm bất hợp pháp này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, học viện.
Việc làm này của các thí sinh trên là vi phạm điều 49 quy chế thi và điều 13 quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD&ĐT ban hành, vi phạm quy định của pháp luật. Vì vậy, là phụ huynh của các em, các cán bộ lãnh đạo trên đã vi phạm khoản 8, điều 3, quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
Gần đây nhất, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình thông tin về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với những người là cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Theo đó, 15 đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã vi phạm khoản 8, Điều 3, Quy định 08 ngày 25/10/2018 của ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Do đó sẽ phải thực hiện thi hành kỷ luật theo thẩm quyền và báo cáo kết quả trước ngày 7/9. 15 đảng viên này bao gồm phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng… tới nhân viên lái xe ở các sở, ngành Hòa Bình bị yêu cầu kỷ luật Đảng vì có con được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018.
Như vậy, cho đến giờ, Hòa Bình đã có 20 phụ huynh có con được nâng điểm bị xem xét kỷ luật.
Theo:soha.vn