EHP là một loại ký sinh trùng microsporidian được phát hiện lần đầu tiên trên tôm sú Penaeus monodon vào năm 2009 tại Thái Lan. EHP chỉ giới hạn ở gan tụy (HP) của tôm và thường ít bị chú ý hơn so với một số bệnh khác như hội chứng tôm chết sớm (EMS) và phân trắng. Mặc dù EHP không gây tỷ lệ chết cao nhưng khiến tôm còi cọc và tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) bị suy giảm, dẫn đến thiệt hại về kinh tế do phải thu hoạch sớm.
Cho đến nay, chưa có giải pháp tiêu diệt EHP tận gốc một cách hiệu quả và bền vững. Tại miXscience (Pháp), các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu để tìm kiếm giải pháp đặc hiệu chống lại EHP trong nuôi tôm. Hiệu quả đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm và thực địa, tập trung vào cắt giảm sự phát triển của bào tử EHP và tác động đến hiệu suất nuôi tôm. Nhiều nghiên cứu bổ sung cũng được thực hiện để đánh giá cơ chế hoạt động của giải pháp dinh dưỡng mới này trong việc làm xáo trộn các bào tử EHP.
Giảm tải lượng và tác động của EHP
Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực địa đã chứng minh giải pháp thức ăn A-Coverost của MiXscience – một hỗn hợp dầu thực vật, động vật, và chất béo dựa trên công nghệ oleochemical, làm giảm đáng kể khả năng “nảy mầm” của bào tử EHP. Điều này tác động đến tải lượng EHP cuối cùng trong gan tụy, sau đó là toàn bộ hoạt động lây nhiễm trong ao/trang trại và giúp duy trì năng suất tôm để đạt cỡ thương phẩm.
Trong phòng thí nghiệm, các bào tử EHP tinh chế được chia nhỏ và ủ với sản phẩm thử nghiệm (A-Coverost) trong 30 phút ở nhiệt độ phòng (27°C) trong ống Eppendorf và tổng thể tích là 1 ml mỗi phản ứng. Ảnh hưởng của sản phẩm đến sự nảy mầm và khả năng tồn tại của bào tử EHP được đo bằng kính hiển vi sau bước nhuộm màu phloxine. Tỷ lệ nảy mầm của bào tử được tính bằng lượng bào tử phóng vòi móc trong số 100 bào tử được quan sát.
Kết quả cho thấy A-Coverost làm giảm đáng kể (>60%) tỷ lệ nảy mầm của bào tử EHP. Cụ thể, tỷ lệ vòi phân cực phóng ra thấp hơn khi quan sát dưới kính hiển vi. Xu hướng này cũng được ghi nhận trong hai thử nghiệm liên tiếp khác, chứng tỏ hiệu quả chắc chắn của sản phẩm.
Các nghiên cứu bổ sung bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) kết hợp kính hiển vi phát quang đã chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm khi làm xáo trộn bào tử EHP và sự nảy mầm của chúng.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác động trực tiếp của A-Coverost ở liều 2, 4, 6 và 8g/L đối với các bào tử EHP tinh chế. Thuốc nhuộm Acridine orange (AO) được sử dụng để phát hiện những đột biến hoặc tổn thương DNA, trong khi đó, thuốc nhuộm Propidium iodide (PI) được sử dụng để phát hiện tế bào sống hoặc chết trong quần thể.
Nghiên cứu trên kính hiển vi
Các bào tử tinh chế mang hoạt tính (1×107 bào tử) được trộn với A-Coverost ở nồng độ 8g/L. Sau đó, ủ dung dịch 120 phút ở nhiệt độ phòng (25 – 26°C), trước khi ly tâm với tốc độ 10.000 vòng/5 phút. Tiếp đến, rửa các bào tử này hai lần bằng dung dịch nước muối PBS 1X, đặt 10 μL lên đĩa 24 tiếng và để khô trong không khí. Hình thái của bào tử EHP được kiểm tra bằng kính hiển vi SEM SU8010.
Pha loãng thuốc nhuộm AO và PI bằng dung dịch muối PBS. Trộn hai sản phẩm với theo tỷ lệ 1:1 và 3μL hỗn hợp AO/Ip kết hợp 20μL mẫu bào tử. Dung dịch được được phân tích dưới kính hiển vi huỳnh quang.
Kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy, A-Coverost tương tác với màng bào tử EHP, gây ra sự rối loạn, hình thái bất thường của bào tử, khiến chúng mất khả năng nảy mầm. A-Coverost cũng vô hiệu hóa lớp vỏ bọc bào tử EHP thông qua cơ chế đánh dấu DNA bằng PI, từ đó làm giảm khả năng sống sót của bào tử. Tỷ lệ chết trung bình của bào tử lần lượt 73%; 95% và 97% tương ứng với các liều A-Coverost 4g/L, 6g/L và 8g/L.
Kết quả nghiên cứu thực địa
A-Coverost được thử nghiệm trực tiếp trên tôm nuôi để xác nhận hiệu quả đã quan sát được trong phòng thí nghiệm. Thử nghiệm này được thực hiện tại BIOTEC Thái Lan và SHRIMPVET Việt Nam. Theo đó, A-Coverost được phủ lên viên thức ăn, hoặc kết hợp trực tiếp với thức ăn trong quá trình tạo viên theo liều khuyến nghị 4 kg/tấn thức ăn.
Thử nghiệm gồm hai nhóm: Đối chứng thử thách và A-Coverost thử thách. Mỗi bể chứa ít nhất 200 con tôm có trọng lượng ban đầu 3 g (thể thích nước 320 L, độ mặn 20 ppt) và tôm được cho ăn bằng thức ăn chỉ định trong thời gian 7 ngày. Từ ngày thứ 7, tách 12 con tôm từ mỗi nhóm để phát hiện EHP bằng qPCR. Thu thập gan tụy từ 12 con tôm ở mỗi bể để tách DNA và chẩn đoán qPCR.
Các chỉ số hiệu suất tăng trưởng của tôm gồm trọng lượng ban đầu, trọng lượng cuối, tăng trọng, tăng trương riêng (9ADG), tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) và tỷ lệ sống đã được xác định. Các kết quả thực địa trên tôm nuôi từ năm 2021 – 2023 đã khẳng định tác dụng của A-Coverost trong điều kiện chăn nuôi ở các quốc gia khác nhau. A-Coverost ở liều lượng 4 kg/tấn thức ăn cho hiệu quả tương tự khi được sử dụng trực tiếp bằng cách ép viên hoặc gián tiếp thông qua lớp áo thức ăn.
Dựa trên chu kỳ lây nhiễm của EHP, nhóm chuyên gia khuyến nghị phòng ngừa vẫn là phương pháp then chốt để đảm bảo các bào tử bị tiêu diệt hoặc bất hoạt. Các thử nghiệm cho thấy, áp dụng sản phẩm A-Coverost khi ấu trùng tôm còn nhỏ sẽ thích hợp hơn. Tương tác trực tiếp giữa A-Coverost và bào tử EHP trong giai đoạn ngoại bào là điều kiện tiên quyết để bắt đầu quá trình ức chế và tiêu diệt bào tử, làm chậm quá trình lây nhiễm và kiểm soát lượng EHP, giúp tôm đạt cỡ thương phẩm.
Tuy nhiên, một giải pháp duy nhất không đủ để loại bỏ hoàn toàn sự xuất hiện của EHP, và A-Coverost cần được sử dụng như công cụ quản lý hoàn chỉnh dựa trên cơ sở an toàn sinh học ngay tại trang trại để hạn chế sự hiện diện của ký sinh trùng.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn