Quyết định do Chủ tịch Hội đồng GS Nhà nước Phùng Xuân Nhạ ký, trong đó công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS cho 73 nhà giáo và đạt tiêu chuẩn chức danh Phó GS cho 349 nhà giáo.
Theo danh sách công bố, trong số 73 GS thuộc 21 ngành được công bố, đông nhất là ngành Vật lý với 9 người, tiếp theo là các ngành Y học và Sinh học (8 GS), ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm (7 GS), Toán học (5 GS). Ngoài ra còn có GS ở các ngành Dược học, Kinh tế, Cơ học, Điện - Điện tử - Tự động hóa...
Quyết định công bố đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019
Các ngành Cơ khí - Động lực, Giao thông vận tải, Giáo dục học, Luật học, Ngôn ngữ học không có ai được phong hàm GS.
Trẻ nhất trong lần công bố GS này là ông Sĩ Đức Quang, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội (ngành Toán học) và bà Nguyễn Khánh Diệu Hồng, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội (ngành Hóa học). 2 GS trẻ nhất đều sinh năm 1981, năm nay 38 tuổi.
Theo danh sách GS được Chủ tịch Hội đồng GS Nhà nước Phùng Xuân Nhạ ký ngày 3-12, có tổng số 73 GS, giảm 1 người so với danh sách ứng viên được Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS được công bố ngày 11-11.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, đã có 1 tân GS ngành Khoa học Trái đất - Mỏ gửi đơn xin rút khỏi danh sách đạt chuẩn công nhận chức danh 2019 với lý do cá nhân.
Ở chức danh PGS, ngành hóa học - công nghệ thực phẩm dẫn đầu với 45 người, tiếp theo đó là các ngành vật lý, y học, kinh tế, toán học, sinh học, cơ khí - động lực...
Các ngành thuộc khối xã hội như triết học, xã hội học, văn học, tâm lý học... có ít người được phong PGS hơn các ngành khác.
PGS trẻ nhất là ông Lý Kim Hà, giảng viên ngành Toán học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 31 tuổi.
Đây là năm đầu tiên việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, Phó GS được thực hiện theo Quyết định 37.
Số ứng viên đăng ký ban đầu là 725 người, số người đạt là 422 người, chiếm tỷ lệ 58,2%.
Trong đợt xét giáo sư, phó giáo sư năm 2019 có 16 ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) bị "trượt" ở vòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGDNN) mặc dù đã được các hội đồng ngành/liên ngành thông qua. Nhiều ứng viên GS, PGS bị loại đã bức xúc gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cho rằng không thỏa đáng, không hợp lý.
Danh sách các ứng viên GS bị đánh trượt có nhiều người rất xuất sắc như trường hợp PGS Lê Hữu Song - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. PGS Lê Hữu Song có tổng điểm khoa học là 41,6 điểm, cao thứ hai trong số 10 ứng viên GS ngành y năm 2019.
Ông không chỉ có nhiều bài báo quốc tế có chất lượng cao, được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018... mà còn là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong và ngoài nước có giá trị: Bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (World Intellectual Property Organization - WIPO); giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc; giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018. Ông cũng là ứng viên GS duy nhất có Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ và sở hữu 10 bằng phát minh, sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
TS Ngô Tất Trung là ứng viên ngành y học có 14 bài báo quốc tế, trong đó 9 công trình là tác giả chính (10 bằng phát minh độc quyền sáng chế); 1 Bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO); 1 Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc.
Tương tự, TS Trần Quang Huy (Trường ĐH Phenikaa) ở 2 vòng đánh giá của hội đồng cơ sở và hội đồng ngành, ông nhận được 100% phiếu thông qua. Tính tới thời điểm nộp hồ sơ, ông đã hướng dẫn thành công 6 thạc sĩ (2015-2018); đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh và 1 học viên cao học; chủ biên và tham gia biên soạn 3 đầu sách; chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước và 1 đề tài cơ sở đã bảo vệ thành công...
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).