Hiện nay, cũng là thời điểm nghêu chuẩn bị vào mùa sinh sản do đó sức đề kháng kém trước những biến động bất lợi của thời tiết. Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn làm cho độ mặn tăng nhanh và kéo dài; nhiệt độ biến động giữa ngày và đêm lớn, thời gian phơi bãi kéo dài. Kết quả quan trắc môi trường và theo dõi sức khỏe nghêu nuôi tại một số vùng nuôi trọng điểm cho thấy có dấu hiệu bất thường và nghêu bị thiệt hại dự báo sớm hơn so với các năm trước.
Thời gian qua, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Bến Tre, hàng chục tấn nghêu nuôi của người dân chết trắng bờ gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Nguyên nhân ban đầu khiến nghêu chết được nhận định do thay đổi thời tiết.
Tại Nghệ An, theo thống kê, với gần 15ha diện tích nuôi nghêu đã xảy ra hiện tượng nghêu chết với tỉ lệ 60-90%, sản lượng nghêu thương phẩm bị thiệt hại khoảng 350 tấn, ước tính người dân mất trắng khoảng 5-7 tỉ đồng.
Tình hình tương tự tại Bến Tre, từ hơn một tháng nay, các Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy và An Thủy (huyện Ba Tri), Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông (huyện Bình Đại) và Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi (huyện Thạnh Phú) xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt với diện tích thiệt hại hàng trăm ha.
Trước những diễn biến bất thường thời tiết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nghề nuôi nghêu theo hướng bền vững, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai ngay một số nội dung sau:
Tăng cường kiểm tra và cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi, cụ thể: Chủ động duy trì mật độ nuôi phù hợp. Đối với diện tích nghêu chưa đạt cỡ thu hoạch tiến hành kiểm tra để có kế hoạch chủ động san thưa mật độ (Duy trì mật độ nuôi từ 180-200 con/m2 với cỡ giống từ 400-600 con/kg; dưới 250 con/m2 với cỡ giống từ 500-800 con/kg; 250-350 con/m2 với cỡ giống từ 800- 2000 con/kg).
Đối với nghêu đạt cỡ thu hoạch (50-70 con/kg) nên khuyến cáo người dân có phương án thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra. Thường xuyên vệ sinh, san phẳng mặt bãi nuôi, khai thông các vùng nước đọng, gia cố vệ sinh lưới vây tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống; thu gom nghêu chết trên bãi và xử lý đúng quy định tránh làm ô nhiễm môi trường.
Theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước, khi phát hiện nghêu nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Khuyến cáo người nuôi không nên thả giống khi điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi và các yếu tố môi trường chưa phù hợp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh chỉ đạo nuôi nghêu theo hướng dẫn tại Công văn số 2873/TCTS-NTTS ngày 20/12/2019 của Tổng cục Thủy sản về việc ứng phó với hạn hạn, xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản năm 2020; các bản tin cảnh báo môi trường vùng nuôi của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và 2 với các khuyến cáo kèm theo.
Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước làm ảnh hưởng đến vùng nuôi nghêu.
Theo:tepbac.com