TBM, công ty khởi nghiệp (startup) có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản), nổi tiếng với công nghệ biến đá vôi thành danh thiếp, giấy bìa và hộp đựng thực phẩm, bản đồ..., đang lên kế hoạch cho vòng gọi vốn mới để có nguồn tài chính giúp mở rộng kinh doanh ở nước ngoài trước khi tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng hai năm tới.
Ngân hàng Goldman Sachs, Tập đoàn thương mại Itochu Corp và Công ty in lớn nhất Nhật Bản Toppan Printing đã đầu tư vào TBM. Cho đến nay, TBM đã huy động được 4,7 tỉ yen trong hai vòng gọi vốn gần nhất.
Nobuyoshi Yamasak, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành TBM, cầm một mẩu đá vôi tại văn phòng của công ty ông ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg. |
Giám đốc điều hành TBM Nobuyoshi Yamasaki nói công ty đang đặt mục tiêu huy động thêm vài tỉ yen nữa. Mục đích là để thành lập các đối tác liên doanh ở nước ngoài trước khi tiến hành IPO.
“Vòng gọi vốn tiếp theo của chúng tôi là nhằm mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài trên phương diện sản lượng lẫn doanh thu. Chúng tôi muốn mở rộng quyết liệt ở nước ngoài và để thực hiện kế hoạch này, chúng tôi cần nguồn lực tài chính để tuyển dụng thêm nhân sự”, ông nói.
Yamasaki cho biết công ty TBM được định giá 56,3 tỉ yen trong vòng gọi vốn mới đây. Dù TBM không tiết lộ doanh thu của năm ngoái, Yamasaki tự tin doanh thu sẽ tăng trưởng ít nhất gấp năm lần trong năm tới. Gần đây, công ty đã giành được hợp đồng cung cấp sản phẩm giấy đá vôi limex cho chuỗi nhà hàng Yoshinoya để in thực đơn. Một nhà máy mới của TBM ở gần TP. Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi, sẽ đi vào vận hành vào năm 2020 để sản xuất 30.000 tấn sản phẩm limex mỗi năm.
Vào thời gian ban đầu sau khi thành lập, TBM chủ yếu bán giấy đá vôi limex để làm danh thiếp vì nó không thấm nước, có độ dai cứng nên rất khó để xé rách hay bẻ cong. Tính chất này của giấy đá vôi limex cũng giúp nó trở thành sự lựa chọn lý tưởng để in các cuốn thực đơn, giúp các nhà hàng không cần phải thường xuyên thay thế chúng.
Hơn 400 nhà hàng sushi trên khắp Nhật Bản của công ty Sushiro Global Holdings đã sử dụng giấy đá vôi limex để in các cuốn thực đơn. Giấy đá vôi có thể tái chế để sản xuất các sản phẩm giấy trở lại hoặc các vật dụng có độ bền cao hơn như cặp giấy, chén dĩa.
Một nhược điểm của giấy đá vôi limex là nó vẫn còn đắt hơn một chút so với giấy thông thường nhưng khoản đầu tư gần đây của Goldman Sachs sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của loại giấy này trên thị trường.
Danh thiếp, giấy bìa và hộp đựng thực phẩm làm bằng giấy đá vôi limex của TBM. Ảnh: Bloomberg. |
Mặc dù nó không lý tưởng để sản xuất tạp chí hoặc sách vì có trọng lượng nặng, công ty TMB đang nghiên cứu cách để có thể sử dụng giấy limex sản xuất các văn phòng phẩm và vật dụng hàng ngày khác.
Một đặc điểm quan trọng của giấy đá vôi limex là nó có thể được sản xuất mà không cần nước. Trong khi đó, phải mất 100 tấn nước để sản xuất một tấn giấy thông thường làm từ bột gỗ được khai thác từ 20 cây. Để sản xuất một tấn giấy limex, TBM sử dụng chưa đến một tấn đá vôi cùng với 200kg nhựa polyolefin.
TBM cho biết lượng khí thải nhà kính phát ra trong quá trình sản xuất giấy đá vôi ít hơn 20% so với hoạt động sản xuất giấy truyền thống.
Yamasaki bỏ học năm 15 tuổi và lần lượt làm thợ mộc và nhân viên kinh doanh xe cũ để mưu sinh. Tò mò với sản phẩm giấy sản xuất từ đá vôi có xuất xứ từ Đài Loan, Yamasaki và các cộng sự đã nghiên cứu kỹ hơn về công nghệ sản xuất loại giấy này. Yamasaki đã nhập khẩu giấy đá vôi từ Đài Loan và sau đó phát triển công nghệ sản xuất giấy đá vôi limex.
Thách thức của Yamasaki và các cộng sự là phải bảo đảm tính thân thiện với môi trường, chất lượng giấy và tính hiệu quả chi phí trong sản xuất. Khi đủ tự tin với sản phẩm đang nghiên cứu, ông đã thành lập công ty IBM để giới thiệu giấy đá vôi ra thị trường. Limex được sản xuất bằng cách phối trộn bột đá vôi với nhựa polyolefin ở nhiệt độ và áp suất cao.
Mục tiêu của Yamasaki là đưa TBM cán mức tổng doanh thu tích lũy 1.000 tỉ yen (9 tỉ đô la Mỹ) vào giữa thập niên 2030. Ông đang lên kế hoạch cấp phép sử dụng công nghệ sản xuất limex cho các nhà sản xuất bên ngoài Nhật Bản, đặc biệt là ở những nơi thiếu nước và giàu đá vôi như bang California (Mỹ) hay Saudi Arabia.
Theo Bloomberg, Medium/Thời báo Kinh tế SG