Phòng và xử lý EHP

Thứ sáu, 09/08/2019 - 10:03 PM      547

Bệnh vi bào tử trùng Microsporidian trên tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra, chúng tấn công tôm bằng cách phá hủy hệ tiêu hóa của tôm. Phòng bệnh được xem là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn những thiệt hại lớn từ EHP gây ra cho tôm nuôi.

 

EHP phá hủy hệ tiêu hoá của tôm

Chẩn đoán bệnh

Việc phát hiện bệnh có thể dùng các công cụ phát hiện gene của vi bào tử trùng  như PCR (polymer chain reaction), LAMP (Loop-mediated isothermal amplication) để kiểm tra mẫu lấy từ phân tôm hoặc tôm post bị nhiễm. Kính hiển vi có thể sử dụng để soi mẫu nhưng khó phát hiện hơn vì bào tử có kích thước rất nhỏ bé.

Khống chế bệnh

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, chỉ có thể đối phó với EHP bằng các giải pháp kết hợp đồng bộ: Kiểm soát an toàn sinh học từ trại giống đến chuẩn bị ao nuôi và sau đó là các giải pháp quản lý ao nuôi tốt. Việc kiểm tra, kiểm soát mầm bệnh từ tôm giống hết sức quan trọng. Tôm giống có thể được kiểm soát xem có nhiễm EHP bằng phương pháp PCR.

Ở trại nuôi, công tác chuẩn bị ao có vai trò rất quan trọng. Do EHP có sức chống chịu tốt đối với các phương pháp khử trùng thông thường nên khó loại mầm bệnh ra khỏi hệ thống. Theo khuyến cáo nên sử dụng vôi nóng (CaO) để xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 - 12 để loại bỏ mầm bệnh EHP.

Kiểm soát giống

Ở trại tôm giống, sự kiểm soát thông thường với mầm bệnh virus phải tập trung hơn nữa công tác an toàn sinh học theo hướng tích cực phòng bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Trại giống phải có khu cách ly và có sự kiểm soát chặt mầm bệnh do virus, EMS/AHPND và EHP trước khi đưa vào sản xuất. Tôm giống cũng cần đáp ứng được các tiêu chuẩn chung về sức khỏe và chất lượng.

Những mẫu tôm yếu hơn nên được thu nhận, bảo quản trong cồn 95% và gửi tới một phòng kiểm nghiệm uy tín để thực hiện xét nghiệm PCR. Một số phương pháp chẩn đoán khác cũng có thể cần được thực hiện, ví dụ như soi tươi, chẩn đoán mô bệnh học hoặc phương pháp khuyếch đại đẳng nhiệt đặc hiệu để xét nghiệm phân của tôm giống.

Với thức ăn tươi, nên kiểm soát kỹ mầm bệnh, không nên sử dụng thức ăn tươi đánh bắt từ khu vực gần trại giống, vùng nuôi, cho ăn trực tiếp.

Việc kiểm soát mầm bệnh bằng phương pháp PCR nên được xuyên suốt quá trình sản xuất giống. Ngoài ra, các phương pháp ương nuôi ấu trùng theo sinh học, vi sinh nên được ứng dụng để khống chế các bệnh do vi khuẩn như EMS/AHPND.

Quản lý ao nuôi

Sự lây nhiễm EHP có thể lan ra rất nhanh chóng tại các ao tôm trong quá trình nuôi. Việc tích cực giảm thiểu tích tụ của bào tử có thể làm giảm mức độ nguy hại của EHP, do đó bùn lắng của ao phải được xử lý đúng cách trước khi thả giống. Bước đầu tiên trong việc chuẩn bị ao là loại bỏ những vật chất hữu cơ lắng đọng. Nếu ao được lót bạt, bùn có thể được loại bỏ bằng cách phun rửa áp lực. Nếu ao nền đất, bùn có thể được nạo vét và đất sẽ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và cày xới lại.

Để loại trừ thêm bào tử, toàn bộ đáy ao nên được xử lý bằng dung dịch acid với pH nhỏ hơn 4 hoặc bằng dung dịch kiềm với pH lớn hơn 12. Ao nền đất được khuyến nghị là nên khử trùng bằng vôi sống với tỷ lệ 6.000 kg/ha hoặc hơn. Đáy ao phải khô hoàn toàn. Cày lấp vôi vào trong các lớp bùn lắng khô đến độ sâu từ 10 - 12 cm, sau đó làm ẩm bùn lắng để hoạt hóa vôi. Khi đất đã được làm ẩm, pH sẽ tăng lên 12 hoặc hơn trong vài ngày và sau đó sẽ từ từ trở về bình thường khi vôi sống biến đổi thành calcium carbonate.

Nếu các cơ sở không gặp vấn đề tái nhiễm liên tục từ những ao lân cận thì có thể không cần phải khử trùng ao giữa các vụ nuôi. Sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng của tôm giữa các vụ nuôi là một chỉ điểm tốt về lượng bào tử EHP.

Trong giai đoạn nuôi

Sau khi kiểm tra đáy ao thấy pH đã trở lại bình thường, bón lượng vi sinh cần thiết để giúp phân hủy các chất hữu cơ và hạn chế được sự cạnh tranh của vi khuẩn vibrio trong ao nuôi trước khi thả giống. Trong suốt quá trình nuôi, thường xuyên đưa chất thải ra ngoài bằng hệ thống xi phông. Giữ màu nước ổn định có các chỉ số như pH, độ kiềm, ôxy, NH3, H2S… nằm trong ngưỡng phù hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển.

Liên tục kiểm tra chất lượng tôm; đặc biệt là lúc kiểm tra nhá ăn của tôm để xem mức độ ăn và di chuyển của tôm, độ đục cơ, bao gồm kích cỡ và màu gan, tụy. Nếu có tình trạng bất bình thường thì nhanh chóng giải quyết. Cho ăn những thức ăn mới sản xuất và có chất lượng đảm bảo, đúng nhu cầu của tôm theo từng độ tuổi. Cải tiến thức ăn, vitamin, chất dinh dưỡng và chất bổ sung khác giúp cải thiện tình trạng tôm. Nên lưu tâm đặc biệt về gan, tụy để giúp tôm có sức đề kháng cao và tỷ lệ sống sót cao. Ghi chú thông tin một cách chi tiết các bước quy trình nuôi. Sử dụng những thông tin đó để cải thiện việc nuôi tôm ngày càng phát triển hơn.
Theo: Contom.vn

Tags:
Ý kiến của bạn