Những tỷ phú từ VAC

Thứ năm, 18/07/2019 - 03:09 PM      567

Cách đây 71 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, một trong nhiều mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói nghèo. Giờ đây, giặc đói đã bị đẩy lùi, nhiều mô hình kinh tế VAC ra đời, mang lại thu nhập nhiều tỷ đồng/năm.

Chuyện về ông Long trồng cam

Nhắc đến ông Bùi Đức Long, nhiều người dân ở Lục Ngạn (Bắc Giang) chẳng thấy xa lạ, bởi không chỉ là “kỹ sư chân đất”, ông còn là một trong nhiều tỷ phú của xã Hồng Giang trong phát triển kinh tế vườn.

Chuyện ông Long đến với cây cam và trở thành tỷ phú là hành trình dài, gian khó. Năm 2003, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông thấy ở tỉnh Hưng Yên có nhiều mô hình trồng cam đường Canh và nhiều gia đình đã giàu lên từ cây cam. Thấy vậy, ông cất công xuống Hưng Yên và tỉnh Hà Tây (cũ) để tìm hiểu. Khi biết ông có ý định mang cây cam về trồng, nhiều người trong gia đình quyết liệt phản đối.

Thế nhưng, ông Long vẫn quyết định dồn hết số tiền 200 triệu đồng gia đình tích góp được đầu tư vào cây cam. Ban đầu ông mua 1,5 mẫu đất sình lầy, thuê người, máy móc làm luống trồng 700 cây cam. Để lấy ngắn nuôi dài, thời gian đầu, ông trồng xen canh đu đủ với cam. Sau một năm, những cây đu đủ đầu tiên đã cho thu hoạch. Tiếp đến, năm 2005, vụ cam đầu tiên cho gia đình ông thu lãi hơn 170 triệu đồng, đến vụ thứ hai lãi gần 300 triệu đồng.

Có ít lãi trong tay, năm 2007 và năm 2010, ông Long tiếp tục mua đất mở rộng diện tích trồng cam, đến nay gia đình có tới 5ha cam. Từ trồng cam, năm 2016, gia đình có thu nhập 3,5 tỷ đồng; năm 2017 đạt 3,2 tỷ đồng. Năm 2018, ông Long chuyển 1,5ha cam sang trồng bưởi nên doanh thu có gảm nhưng vẫn đạt hơn 2 tỷ đồng.

Giúp nông dân thu mua nông sản

Một trường hợp khác vươn lên làm giàu tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) là ông Đặng Văn Tiến, chủ trang trại cam đường Canh. Được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự trăn trở tìm hướng đi mới, cách làm ăn mới để đạt hiệu quả cao đã giúp gia đình ông Tiến từ hộ còn khó khăn vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng.

Từ việc thu mua, chế biến, xuất khẩu vải thiều, ông Tiến đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Từ việc thu mua, chế biến, xuất khẩu vải thiều, ông Tiến đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Để nâng cao năng suất, chất lượng quả cam, ông Tiến tích cực học tập, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào, đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Với gần 4ha cam đường Canh, năm 2017, trừ chi phí, gia đình ông Tiến thu lãi 2,5 tỷ đồng; năm 2018 đạt 1,4 tỷ đồng.

Cùng với phát triển kinh tế VAC, ông Tiến còn kết hợp kinh doanh dịch vụ, là đầu mối thu mua hoa quả, nông sản cho người dân, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Tiến cho biết, ngoài trồng cam, gia đình còn tham gia thu mua, chế biến, xuất khẩu vải thiều, năm 2018 lợi nhuận đạt hơn 2 tỷ đồng. Vụ vải năm 2019, gia đình trực tiếp thu mua, đóng thùng, thông qua một đối tác, vải được xuất đi châu Âu, Trung Quốc và tiêu thụ trong nước với số lượng khá lớn.

Việc thu mua, chế biến, xuất khẩu của ông Tiến giải quyết việc làm thời vụ cho 100 lao động, với thù lao 1 triệu đồng/ngày công đối với lao động đóng hàng; 350.000 – 400.000/ngày đối với các công đoạn khác.

Hướng đi đúng đắn

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Long, ông Tiến luôn tích cực giúp đỡ các gia đình trong và ngoài địa phương bằng cách hướng dẫn kỹ thuật thông qua cầm tay chỉ việc, hỗ trợ cây con giống, cách chăm sóc…

Thông qua những hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ của hai ông, nhiều hộ đã thoát nghèo, một số hộ đã trở nên khá – giàu; từ đó tham gia tích cực vào xây dụng nông thôn mới của địa phương.

Nhận thức được việc liên doanh liên kết giữa những người làm vườn sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2014, ông Long và ông Tiến đã thành lập CLB cây có múi huyện Lục Ngạn.

Mục đích của CLB là để giao lưu học hỏi, người làm vườn trước có kinh nghiệm giúp đỡ người làm sau. Vườn của hội viên nào không may có hiện tượng bất thường, tất cả hội viên trong CLB được huy động đến để tìm ra nguyên nhân, từ đó, khắc phục triệt để.

Trong các buổi sinh hoạt, tất cả hội viên lần lượt được lồng ghép thuyết trình cách trồng, chăm sóc và điều tiết cho cây ra hoa, đậu trái, đến lúc thu hoạch. Từ đó, hội viên tham gia góp ý cho từng người nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Hiện, CLB đã chuyển thành HTX với gần 20 thành viên và đang hoạt động khá hiệu quả.

Với những đóng góp đó, ông Long, ông Tiến đã vinh dự được các cơ quan chức năng ghi nhận. Trong đó, ông Long được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.

Ông Bùi Đức Văn, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Giang, cho biết, gia đình ông Long chuyên về cam đường Canh, chính ông là người đầu tiên đưa cây cam về xã. Gia đình ông Tiến ngoài việc trồng cam còn làm thêm thu mua chế biến nông sản nên có thu nhập tương đối cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện, trên địa bàn xã Hồng Giang có vài chục hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.

Câu chuyện ông Long, ông Tiến và nhiều người dân khác tại xã Hồng Giang nói riêng, các xã, huyện, tỉnh, thành phố khác trong cả nước nói chung có thu nhập cao cho thấy sự thắng lợi trên mặt trận kinh tế VAC. Mỗi người đã tự mình vươn lên làm giàu, giúp đỡ, hỗ trợ người khác cùng nhau thoát nghèo và làm giàu. Khi dân đã giàu thì nước sẽ mạnh. Đây cũng là mục đích của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 71 năm.
Theo Báo Kinh Tế Nông Thôn

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều