Nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Từ đầu vụ nuôi 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có nhiều diễn biến phức tạp, giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm, tình hình xuất khẩu bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến người nuôi tôm và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng vùng nuôi ngày một xuống cấp, thiếu đồng bộ đã khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, tiêu thoát nước trong nuôi tôm gặp khó… Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, ngành Nông nghiệp tỉnh quyết tâm không để sụt giảm giá trị sản xuất nông nghiệp”.
Theo thống kê, đến cuối tháng 7/2020, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 9.200ha tôm chết, trong đó, một số nơi tôm chết chiếm gần 40% diện tích thả nuôi. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến cáo bà con nông dân không vội xuống giống ở những nơi độ mặn còn cao. Đồng thời, khuyến khích nông dân áp dụng các hình thức nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như: Nuôi quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước, nuôi tôm với mật độ vừa phải, nuôi xen canh để tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Cùng với đó, các địa phương cũng tập trung tăng cường hỗ trợ các hộ dân nuôi theo hình thức siêu thâm canh, mạnh dạn áp dụng các quy trình, kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần giảm thiểu rủi ro, hạn chế thấp nhất những tác động do môi trường và dịch bệnh gây ra.
Xây dựng hạ tầng vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo: “Bạc Liêu cần gấp rút chuẩn bị các điều kiện cho mô hình nuôi trồng thủy sản sạch, kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng tôm giống, thuốc thú y và thức ăn thủy sản. Đồng thời xây dựng tiêu chí về trại sản xuất giống thủy sản - xem đây như một ngành sản xuất có điều kiện. Nếu cơ sở nào không đủ điều kiện đầu tư thì đề nghị loại bỏ. Bộ NN&PTNT sẽ xem xét hỗ trợ Bạc Liêu trong việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng vùng nuôi; công nghệ xử lý nước thải, chất thải cho vùng chuyên tôm để lĩnh vực này phát triển và phát triển bền vững”.
Từ nay đến cuối năm 2020, bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là tham gia cùng Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xác định nguyên nhân tôm chết; Sở NN&PTNT BẠc Liêu cũng đã khuyến cáo nông dân nên dùng những sản phẩm chính thống (đã được công bố) để cải tạo môi trường ao tôm; phòng chống dịch bệnh trên lúa, gia súc, gia cầm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, trong vấn đề sản xuất, các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT cũng cần dự báo diễn biến tình hình để đưa ra khuyến cáo, giải pháp phù hợp cho nông dân. Điều đáng quan tâm nữa là, cần quản lý chặt để sớm phát hiện và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm quảng canh ở vùng Bắc Quốc lộ 1A trong điều kiện thời tiết không đảm bảo, không đủ nước mặn nhưng tôm vẫn sống…
Nguồn:"tepbac.com"