Tại Hải Phòng
Tôm nuôi tại thành phố Hải Phòng xuất hiện dịch bệnh trên diện rộng. Chủ yếu tôm bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, với tổng diện tích 250,43 ha; diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh trên 503 ha.
Từ đầu tháng 4/2020 tại một số đầm nuôi ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tôm có dấu hiệu đỏ thân, bơi dạt bờ, kém ăn, chết… Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang kiểm tra, lấy 17 mẫu tôm tại 9 hộ nuôi xét nghiệm xác định nguyên nhân. Kết quả, cả 17 mẫu đều nhiễm bệnh đốm trắng, 3/17 mẫu nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, 3/17 mẫu nhiễm vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus.
Ảnh minh họa
Tính đến cuối tháng 4, tổng diện tích tôm mắc bệnh là 15 ha tại 11 hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Vinh Quang; ước tính thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng. Cùng với xã Vinh Quang, phường Tân Thành (quận Dương Kinh) có diện tích tôm bị bệnh 235,43 ha.
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT Hải Phòng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh và các huyện, quận có nuôi tôm trên địa bàn thành phố tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống tích cực.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tổng hợp, báo Sở NN&PTNT xuất cấp 8.800 kg Chlorine 65% min từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ Hải Phòng phòng, chống dịch bệnh động vật và trình UBND thành phố quyết định cho sử dụng nguồn hóa chất dự phòng chống dịch thủy sản, xuất cấp cho huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh kịp thời tổ chức chống dịch theo quy định.
Tại Quảng Bình
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra tại 3 huyện, thị xã với tổng diện tích bị bệnh 30,414 ha. Trong đó, tôm chủ yếu nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô. Riêng trong tháng 4, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở 47 ao nuôi của 34 hộ với tổng diện tích bị bệnh là 17,45 ha.
Tại huyện Quảng Ninh, dịch bệnh đốm trắng xảy ra ở 37 ao nuôi của 26 hộ thuộc 2 xã Hàm Ninh, Võ Ninh với diện tích bị bệnh là 12,26 ha. Tại thị xã Ba Đồn, bệnh đốm trắng xảy ra ở 6 ao nuôi của 6 hộ thuộc 3 xã Quảng Phúc, Quảng Lộc, Quảng Tiên với diện tích bị bệnh là 2,895 ha. Dịch bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô, hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra ở 4 ao của 2 hộ thuộc 2 xã Hải Phú, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) với diện tích bị bệnh là 2,3 ha.
Bà Cao Thị Hải, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do một số hộ nuôi không tuân thủ theo khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2020 của Sở NN&PTNT. Các hộ này thả trước khung lịch thời vụ nên khi gặp thời tiết giao mùa môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột làm giảm sức đề kháng của tôm, khiến dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi xuất hiện. Một số hộ nuôi tôm tự ý xả nước, tự điều trị khi tôm chết nhiều mới khai báo nên làm dịch bệnh lây lan.
Sở NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị có liên quan hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung chỉ đạo sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2020.
Theo:thuysanvietnam.com.vn